Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) năm 2022 mới đây, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, ngành dệt may năm 2022 dự kiến đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất với hơn 18 tỷ USD, Hàn Quốc là 4,2 tỷ USD, Nhật Bản là 3,9 tỷ USD, Trung Quốc là gần 3,9 tỷ USD…

Đánh giá về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, có được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã có 15 Hiệp định thương mại có hiệu lực. Đó là nền tảng tạo ra sự đa dạng hóa thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành dệt may đang đẩy nhanh chuyển đổi từ sản phẩm dệt may Việt Nam gia công nhiều, sang quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững với những loại sợi mới từ cây gai, lông cừu.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng như các ngành công nghiệp khác vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức như dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua của người tiêu dùng vẫn giảm mạnh, xung đột Nga – Ukraine vẫn còn căng thẳng. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5-7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế, v.v… Đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng như phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí tải, v.v…

Trong khi đó, năm 2023, ngành dệt may đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD.

Do đó, để đạt được mục tiêu năm 2023, VITAS đã đưa ra một số giả pháp cụ thể như: Kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, giải quyết phần cung thiếu hụt; Xây dựng giải pháp phát triển bán hàng FOB, ODM, OBM; Xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ tự động hóa, quản trị số, tạo môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, bắt kịp xu thế toàn cầu; Đẩy mạnh mục tiêu giải pháp chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường, xanh hóa ngành dệt may Việt Nam; Thúc đẩy giải pháp đào tạo nguồn lực có chất lượng, bắt kịp xu thế đòi hỏi của toàn ngành, của từng doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, giai đoạn hiện nay không chỉ có khó khăn của riêng ngành dệt may Việt Nam mà là khó khăn của thị trường toàn cầu khi tổng lượng cầu của thế giới đột ngột giảm sút do kinh tế suy giảm. Đây là giai đoạn mang tính chất ngắn hạn, do đó, giải pháp quan trọng cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn. Đối với ngành dệt may thứ nhất là vị trí trong chuỗi cung ứng làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi. Thứ hai phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường. 

Chính vì vậy, theo ông Trường, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm các chi phí có thể giảm được. Bên cạnh đó, cần tập trung vào đổi mới công nghệ, tự động hóa để giảm sức lao động cũng như số lượng lao động cần phải sử dụng. Khi đó, đối tượng lao động là tài sản cốt lõi sẽ chỉ là những lao động có kỹ thuật. Số lượng này là không nhiều và như thế thì doanh nghiệp sẽ có điều kiện để đảm bảo bảo vệ được tài sản này.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giải pháp đối với doanh nghiệp dệt may là cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, chuỗi cung ứng... Bên cạnh đó, ngành dệt may đồng hành cùng doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, tiếp cận những chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển, đa dạng hóa thị trường, đối tác, nguồn vốn.

Do đó, để thích ứng với xu hướng thị trường mới và nắm bắt cơ hội trong thời gian tới, dệt may Việt Nam cần thúc đẩy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn càng nhanh càng tốt. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp cho thấy hiệu quả đón đầu xu hướng mới trên thị trường tiêu dùng toàn cầu, ông Lực nhấn mạnh.

Lê Pháp (t/h)