Kinh tế tăng trưởng dương
Năm 2020, Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91% (quý 1 tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,69%; quý 4 tăng 4,48%); lạm phát dù cao nhất trong 5 năm qua, song vẫn trong phạm vi cho phép của Quốc hội đề ra. Hơn nữa, lạm phát năm 2020 mang nặng yếu tố lạm phát tiền tệ và lạm phát ngoại nhập (do xu hướng chung là nới lỏng tài chính - tiền tệ, tăng đầu tư công và chi tiêu công, hỗ trợ xã hội và doanh nghiệp), giảm thiểu sức ép từ lạm phát chi phí đẩy (do giảm thuế và chi phí tài chính - tín dụng) và lạm phát cầu kéo (do tổng cầu xã hội tăng trưởng âm).
Theo Tổng cục Thống kê, xuất siêu hàng hóa và dịch vụ đạt 7,1 tỷ USD và là năm thứ 6, Việt Nam liên tiếp xuất siêu hàng hóa, với mức kỷ lục 19,1 tỷ USD năm 2020. Dù tăng trưởng tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2020 là âm, sau khi trừ trượt giá do lạm phát; song thị trường và khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn là động lực mạnh duy trì sự tăng trưởng dương cho Việt Nam.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vượt qua “năm Covid-19” một cách ngoạn mục, với sự hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng cao kỷ lục, cùng đó là sự tham gia mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư mới, khiến nhà quản lý, giới chuyên gia, các thành viên tham gia thị trường cảm thấy “bất ngờ”, vượt qua cả kỳ vọng; huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán tăng hơn 20% so với năm trước.
Đây là sự ngược dòng ấn tượng của TTCK so với tăng trưởng GDP chung. Sự bùng nổ TTCK là kết quả cộng hưởng từ việc giảm lãi suất ngân hàng, tăng cho vay lãi suất thấp và các khó khăn về cơ hội đầu tư và lợi nhuận trong các lĩnh vực khác, như kinh doanh dịch vụ, bất động sản, vàng và ngoại tệ…
Trong năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm 2,3% so với năm trước, nhưng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 1 - 2021 với 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 4 - 2020.
Năm 2020 cũng là năm vất vả và đầy trách nhiệm của hệ thống ngân hàng trong tạo điều kiện tiếp sức cho doanh nghiệp và cá nhân khôi phục sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và sẽ phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức từ hơn 6% - 11,2% trong năm 2021. Cùng với kết quả dịch bệnh được kiểm soát, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi khả quan vào nửa cuối năm 2021.
Triển vọng kinh tế năm 2021
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%. Cùng với đó, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là “tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.
Đánh giá về mục tiêu mà tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% mà Chính phủ đặt ra, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: “Mục tiêu đặt ra là thận trọng. Năm 2021, tôi kỳ vọng Việt Nam có thể đạt được 7 - 7,5%, cao hơn so với những gì Chính phủ đã đặt ra. Tuy nhiên, những gì Chính phủ đặt ra cũng là điều hợp lý vì tình hình bên ngoài vẫn diễn biến phức tạp”.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 là “đầy tham vọng” khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng xét trên bình diện những gì chúng ta làm được trong năm 2020 thì hoàn toàn có cơ sở để đạt được.
Dưới “lăng kính” chuyên gia nước ngoài,bất chấp những tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, hầu hết dự báo kinh tế của các tổ chức quốc tế đều cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi từ 6% - 7%.
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với GDP đạt 6,5 % khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục bình thường hóa.
Còn Ngân hàng thế giới (World Bank) nhận định triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8%.
Bàn về triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19, TS. Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, cho biết: “Việt Nam đang và sẽ làm rất tốt. Việt Nam có khả năng cao trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới nhờ những thành tựu đất nước đã đạt được trong thời gian qua.
Mặc dù tình hình hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố bất định nhưng tôi tin rằng, sang năm 2021, Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn. World Bank kỳ vọng, với nhiều tín hiệu tích cực như việc nghiên cứu vaccine đã có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang dần trở lại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng tốt vào năm 2021”.
Theo đại diện World Bank, Việt Nam đã nắm bắt tốt cơ hội từ cuộc khủng hoảng. Điển hình như việc thương mại toàn cầu năm nay đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng lạc quan, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,3% trong năm 2021.
Đẩy mạnh cải cách hơn nữa
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm mới Việt Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Ngoài ra, phải thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, đặc biệt phát triển mạnh thị trường trong nước... Như vậy, có thể nói, về tổng thể, kinh tế Việt Nam năm tới vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V.
Cũng nhận định trong năm mới, nền kinh tế Việt Nam lẫn thế giới sẽ không còn bất định như đầu năm 2020, nhưng theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), động lực phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn dựa vào xuất khẩu và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay tất cả hy vọng đang trông chờ vào hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19 ra sao và sau đó tốc độ cung cấp cho các nước như thế nào, nhưng nếu như đầu năm 2020 hầu như chưa ai biết có kiểm soát được dịch bệnh hay không thì hiện nay, các quốc gia đã có biện pháp thích nghi nhất định, tương lai kinh tế thế giới bớt ảm đạm.
Năm 2021, nguồn vốn chi đầu tư công sẽ giảm hơn so với năm 2020, tuy nhiên nếu Chính phủ giữ được lạm phát và lãi suất ở mức thấp sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành không liên quan xuất khẩu có điều kiện tăng trưởng.
Đồng quan điểm, GS. TSKH. Nguyễn Mại cũng cho rằng, kinh tế sẽ tăng tốc mạnh nếu chúng ta đẩy mạnh cải cách hơn nữa. Trong giai đoạn 2021 - 2025, vấn đề cần cải cách mạnh là chính phủ điện tử. Chính phủ có nhiều đột phá nhưng các địa phương chưa chủ động bắt nhịp sẽ mất cơ hội hồi phục sau dịch.
Bùi Quyền