Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ngày 23/5 đã tổ chức Phiên thảo luận mở về chủ đề “Tăng cường vai trò của Châu Phi trong giải quyết các thách thức an ninh và phát triển toàn cầu” dưới sự chủ trì của Mozambique, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 5/2024.

Ủng hộ Châu Phi trong giải quyết vấn đề toàn cầu

Tại phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) António Guterres và đại diện các nước đánh giá cao vai trò và đóng góp quan trọng của các quốc gia Châu Phi tại Liên Hợp quốc; nhấn mạnh Châu Phi có tiềm năng rất lớn, song còn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là xung đột, khủng bố, dịch bệnh, biến đối khí hậu và những vấn đề do bất cập trong hệ thống quản trị và tài chính toàn cầu.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Nguồn: TTXVN)
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Nguồn TTXVN.

Các đại biểu đưa ra nhiều đề xuất hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng ở Châu Phi và giúp các quốc gia ở châu lục này phát huy hơn nữa vai trò, đóng góp đối với an ninh và phát triển của thế giới.

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định để giải quyết các vấn đề toàn cầu, không thể bỏ qua vai trò, tiếng nói của các quốc gia Châu Phi. Trên tinh thần đó, Đại sứ nhấn mạnh ba nội dung.

Thứ nhất, là nước kiên định ủng hộ cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc một cách toàn diện, Việt Nam tin rằng cần tăng số ghế tại Hội đồng Bảo an mở rộng cho các nước Châu Phi để bảo đảm tiếng nói của họ được lắng nghe và tôn trọng, nhất là đối với các vấn đề liên quan đến chính châu lục này.

Thứ hai, trong bối cảnh hoạt động gìn giữ hoà bình tại Châu Phi gần đây gặp một số khó khăn khách quan và chủ quan, cần rà soát và đánh giá toàn diện để nâng cao hiệu quả và sự tin cậy của các Phái bộ, đồng thời bảo đảm tôn trọng chủ quyền của nước tiếp nhận.

Thứ ba, để ứng phó những thách thức đa diện ở Châu Phi, cần có cách tiếp cận tổng thể, trong đó các quốc gia châu Phi đóng vai trò trung tâm, đồng thời ưu tiên giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột và tình trạng kém phát triển.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định tình đoàn kết giữa Việt Nam và các dân tộc Châu Phi bắt nguồn từ cuộc đấu tranh chung giành độc lập, tự do, thoát khỏi chủ nghĩa thực dân.

Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với nhiều nước Châu Phi qua các kênh song phương, đa phương cũng như hợp tác ba bên. Việt Nam cũng đã và đang tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên Hợp quốc, đóng góp thực chất vào việc duy trì hoà bình, an ninh và tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển bền vững tại Châu Phi.

Việt Nam-Châu Phi còn rất nhiều tiềm năng hợp tác

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Đại sứ Morocco, Trưởng nhóm Đại sứ các nước châu Phi tại Hà Nội Jamale Chouaibi. (Ảnh: Tuấn Việt)
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Đại sứ Morocco, Trưởng nhóm Đại sứ các nước Châu Phi tại Hà Nội Jamale Chouaibi. Ảnh Tuấn Việt.

Việt Nam đánh giá cao vị thế và uy tín của Liên minh Châu Phi (AU) trong đời sống chính trị - an ninh, kinh tế, xã hội của châu lục; chúc mừng nhân dân Châu Phi dưới sự dẫn dắt của AU đã đạt được nhiều thành tựu phát triển to lớn, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện qua việc AU chính thức trở thành thành viên thường trực của G20.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ bày tỏ tin tưởng với việc các nước Châu Phi tích cực đẩy mạnh thực hiện Hiệp định Khu vực thương mại tự do toàn Châu Phi (AFCFTA), Châu Phi sẽ sẽ sớm trở thành trung tâm phát triển năng động của thế giới trong thời gian tới.

Vui mừng trước những thành tựu to lớn mà các quốc gia Châu Phi đã đạt được, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng, mong muốn đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với châu Phi, cả ở cấp độ song phương và đa phương. Việt Nam đã chính thức trở thành Quan sát viên của AU (từ tháng 12/2023) và thời gian qua đã có nhiều đóng góp thiết thực vào những thành tựu ban đầu của Chương trình.

Nghị sự 2063 của AU với Tầm nhìn “Một Châu Phi hội nhập, thịnh vượng và hòa bình, hoạt động vì nhân dân Châu Phi và đại diện một lực lượng năng động trên trường quốc tế, đặc biệt trên 4 lĩnh vực là gìn giữ hòa bình; bảo đảm an ninh lương thực; phát triển cơ sở hạ tầng số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Kim ngạch thương mại hai chiều ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh giao thương của Việt Nam với thế giới gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, đạt 8,92 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2022.

Đại sứ Morocco tại Việt Nam Jamale Chouaibi, Trưởng nhóm Đại sứ các nước Châu Phi tại Hà Nội cho biết, châu Phi đang trỗi dậy và trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế và hệ thống với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm một tương lai công bằng, bền vững; nhấn mạnh với vai trò là một động lực tăng trưởng của thế giới và là “vùng đất của cơ hội”, Châu Phi đang tích cực hợp tác với các đối tác để phát triển kinh tế bền vững, bất chấp những khó khăn to lớn về bất ổn chính trị, biến đối khí hậu, hậu quả đại dịch Covid-19… mà thế giới đang phải đối mặt.

PV (t/h)