Bài 2: Sai phạm trong hoạt động XKLĐ

Như đã thông tin trong số báo trước, lao động Đặng Văn Sơn và chị Vân (mẹ Sơn) trao đổi, qua giới thiệu, gia đình được tiếp cận với bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (điện thoại 0979878058), khi được nghe tư vấn đơn hàng đi làm việc tại Nhật Bản, gia đình đồng ý và cho Sơn tham gia thi tuyển.

 Hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực

Viết tiếp bài Công ty Vinasem: Sai phạm hay tiếp tay cho sai phạm trong hoạt động XKLĐ? - Hình 1

Phiếu thu chứng minh bà Thuỷ đã thu tiền của lao động

Sau khi nộp tiền đặt cọc 10 triệu đồng để tham gia thi tuyển, nhưng thấy đơn hàng không phù hợp, hơn nữa Sơn lại bị bệnh nên nghĩ khó làm việc được tại Nhật Bản (bởi đây là thị trường rất khó tính), vì thế, gia đình đã chủ động xin chấm dứt việc học tiếng tại công ty.

Viết tiếp bài Công ty Vinasem: Sai phạm hay tiếp tay cho sai phạm trong hoạt động XKLĐ? - Hình 2

Tin nhắn bà Thuỷ đe doạ sẽ "xử" gia đình lao động

Tuy nhiên, khi gia đình thông báo tới bà Thuỷ là sẽ chấm dứt việc học và đề nghị trả lại số tiền đã nộp, thì bà Thuỷ không những không trả lại số tiền đó, mà còn chửi bới, xúc phạm và nhắn tin đe doạ sẽ “xử” gia đình lao động vì tội dám khiếu nại lên cơ quan báo chí.

Không chỉ có vậy, bà Thuỷ còn gọi điện doạ sẽ kiện phóng viên nếu đăng bài về bà này.

Sai phạm nối tiếp sai phạm

Viết tiếp bài Công ty Vinasem: Sai phạm hay tiếp tay cho sai phạm trong hoạt động XKLĐ? - Hình 3

Một trong những giấy tờ bà Thuỷ đưa cho gia đình lao động ký trước

Theo tài liệu gia đình lao động cung cấp, PV đã liên hệ với Công ty CP Đầu tư thương mại quốc tế Vinasem Việt Nam (Công ty Vinasem) – đơn vị có tên trong hồ sơ mà bà Thuỷ đưa cho gia đình lao động để ký trước. Tuy nhiên, đại diện Công ty Vinasem trả lời “Công ty không biết bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ là ai và cũng không biết lao động nào là Đặng Văn Sơn” (?!).

Viết tiếp bài Công ty Vinasem: Sai phạm hay tiếp tay cho sai phạm trong hoạt động XKLĐ? - Hình 4

Trụ sở của Công ty Đông Dương số 6 Mễ Trì Thượng (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội)

PV tiếp tục tìm đến địa chỉ số 6 Mễ Trì Thượng (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), là nơi lao động được bà Thuỷ đưa đến để học tiếng, thì đây là trụ sở làm việc của Công ty CP Thương mại và nhân lực Đông Dương (Công ty Đông Dương). Đại diện công ty này xác nhận, lao động Sơn đã thi đơn hàng và học tiếng tại đây. Tuy nhiên, công ty không thu tiền của lao động, còn lao động nộp tiền cho bà Thuỷ thì tìm bà Thuỷ mà giải quyết, chứ công ty không có trách nhiệm (?!).

Trước khi đến đây, PV có liên hệ với ông Phạm Nguyễn Dũng – Giám đốc Công ty Đông Dương, ông Dũng cũng xác nhận, bà Thuỷ không phải là nhân viên của công ty và ông không biết bà Thuỷ là ai.

Khi PV hỏi mối liên quan giữa 2 công ty, ông Dũng trả lời: “Bên chúng tôi là chi nhánh của Vinasem và có giấy tờ đầy đủ”.

Nhưng tại địa chỉ này, không có biển hiệu của Công ty Vinasem, mà chỉ có biển hiệu của Công ty Đông Dương (?).

Khi PV đề nghị được tiếp cận các giấy tờ chứng minh lời ông Dũng nói, nhưng vị này lại yêu cầu PV liên hệ trực tiếp với Vinasem. Không hiểu dựa vào quy định nào mà ông Dũng lại có thể phát ngôn “Bên tôi (Công ty Đông Dương) là chi nhánh của Công ty Vinasem” (?!)

Thêm nữa, khi làm việc với các bộ phận chuyên môn, thì nhân viên của 2 công ty này luôn trong trạng thái “ông nói gà, bà nói vịt”. Còn trước đó, theo lời chị Thuỷ  “Công ty Vinasem cho rất nhiều đơn vị thuê giấy phép XKLĐ”.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Sau nhiều ngày xác minh, có thể khẳng định: Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ không phải là nhân viên của 2 công ty trên, mà chỉ là nguồn (môi giới) tự do, cũng không có chức năng môi giới, tư vấn về XKLĐ, nhưng ngang nhiên thu tiền của lao động là trái với quy định của pháp luật.

Hơn nữa, cả 2 công ty đều khẳng định chưa thu tiền của lao động, bà Thuỷ trực tiếp thu nhưng lại nói dối đã nộp cho công ty nhưng công ty không trả lại. Vậy hành vi của bà Thuỷ có được coi là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản?” - Câu hỏi này, xin chuyển tới cơ quan công an để giải quyết theo quy định.

Đối với Công ty Đông Dương, đơn vị này chưa được cấp phép hoạt động về XKLĐ của Bộ LĐ-TB&XH, nhưng ngang nhiên tuyển dụng lao động, đào tạo học tiếng cho lao động là trái với quy định của pháp luật.

Tiếp theo, để hoạt động được, Công ty Đông Dương đã hợp tác dưới hình thức thuê/mượn giấy phép của Vinasem. Như vậy, Công ty Vinasem đã vi phạm vào Mục 2, Điều 7 - Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Luật thể hiện, các hành vi bị nghiêm cấm “Sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”. Và theo Mục d, Điều 15 thì, Công ty Vinasem sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động theo quy định.

Không biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ xử lý trường hợp này như thế nào?

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Thanh Bình