Lao động dễ dàng “mắc bẫy”
Lao động Đặng Văn Sơn và chị Vân (mẹ Sơn) trao đổi với PV TH&CL: “Qua giới thiệu, tôi được tiếp cận với chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ (điện thoại 0979878058), sau khi được nghe tư vấn đơn hàng đi làm việc tại Nhật Bản, gia đình tôi đã đồng ý và cho Sơn tham gia thi tuyển.
Phiếu thu chứng minh chị Thuỷ đã thu tiền của lao động
Ban đầu, con tôi tham gia thi đơn hàng chế biến thực phẩm nhưng không trúng tuyển. Sau đó, chị Thuỷ đề nghị gia đình tôi nộp tiền đặt cọc 10 triệu đồng để Sơn tham gia thi đơn hàng tiếp theo. Sau khi nộp tiền đặt cọc, chị Thuỷ đưa 2 mẹ con tôi đến số 6 Mễ Trì Thượng (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) để đăng ký học tiếng và nói sẽ được học miễn phí trong 1 tuần để thi tuyển đơn hàng. Nhưng họ chỉ đưa cho giấy tờ để tự học, chứ không có giáo viên nào dạy cả, họ nói khi nào thi đỗ đơn hàng thì phải học tiếp 6 tháng, lúc đó, sẽ nộp 16 triệu đồng học tiếng”.
Thấy đơn hàng của công ty không phù hợp, hơn nữa Sơn lại bị bệnh nên khó làm việc được tại Nhật Bản (bởi đây là thị trường rất khó tính) nên gia đình đã chủ động xin chấm dứt việc học tiếng tại công ty.
Tuy nhiên, “Sau khi thông báo tới chị Thuỷ, gia đình tôi đề nghị trả lại số tiền đã nộp. Nhưng chị Thuỷ nói, công ty sẽ không trả lại số tiền đó, thậm chí còn chửi bới, xúc phạm đến gia đình tôi” - chị Vân bức xúc.
Lộ diện các đơn vị liên quan
Trước thái độ cũng như cách giải quyết công việc của chị Thuỷ, gia đình lao động đã có đơn khiếu nại gửi tới báo. Trong quá trình PV tìm hiểu, xác minh những thông tin liên quan, chị Thuỷ đã gọi điện cho gia đình lao động chửi bới, xúc phạm, thậm chí còn nhắn tin đe doạ sẽ “xử” gia đình lao động vì tội dám khiếu nại lên cơ quan báo chí.
Tin nhắn chị Thuỷ doạ sẽ "xử" gia đình lao động
Tiếp tục gọi điện cho PV, chị Thuỷ doạ: “Chị cảnh cáo với em, nếu hình ảnh của chị mà lên mặt báo, thì chị đảm bảo với em, chị sẽ kiện em, bọn em hãy coi chừng chị nghe chưa…” (?!).
Một trong những giấy tờ chị Thuỷ đưa cho gia đình lao động để ký
Theo tài liệu lao động cung cấp, chị Thuỷ đưa cho gia đình một số giấy tờ để xin dấu của UBND xã, nơi lao động cư trú (đơn tự nguyện xin đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản, Hợp đồng bảo lãnh cho thực tập sinh đi thực tập tại Nhật Bản, đơn xin tự nguyện không tham gia đóng BHXH tại Việt Nam…), những giấy tờ trên có chữ ký của gia đình lao động, lao động và xác nhận về nhân thân của UBND xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Chưa ký đóng dấu của công ty XKLĐ, nhưng nội dung đều thể hiện của Công ty CP Đầu tư Thương mại quốc tế Vinasem Việt Nam (tại Q. Long Biên).
Điều đặc biệt, khi chị Thuỷ tư vấn và thu tiền của lao động, thì mọi giao dịch ở tại đường Trần Thái Tông (Q. Cầu Giấy). Còn lao động lại được học tiếng tại Công ty CP Thương mại và nhân lực Đông Dương (Số 6 Mễ Trì Thượng, Q. Nam Từ Liêm).
Theo lời chị Thuỷ: “Công ty Vinasem cho nhiều đơn vị thuê giấy phép XKLĐ, PV muốn tìm hiểu thì đến trực tiếp công ty, vì chính đơn vị này làm thủ tục cho lao động Sơn…” (?!)
Câu hỏi đặt ra: Chị Thuỷ là nhân viên của đơn vị nào mà lại trực tiếp thu tiền của lao động; mối liên quan giữa chị Thuỷ và 2 đơn vị nêu trên, điều này có trái với quy định của luật?
Thương hiệu & Công luận sẽ thông tin trong số báo tiếp theo.
Thanh Bình