Đơn kiến nghị của bà con rơi vào im lặng!
Trong nội dung báo cáo đều khẳng định, 2 công trình là hồ Trại Mới và hồ Đầm Vầu, nhà thầu phát hiện ra đất sét cao lanh nên đã tập trung máy móc để nạo vét, khai thác vận chuyển ra khỏi địa bàn trái phép.
Xin trích dẫn nội dung báo cáo của xã: “... Công trình đã được khỏi công đúng tiến độ. Cho đến nay, UBND xã Phú Lạc thực hiện giám sát và nhận thấy: Công trình hồ Trại Mới nạo vét ngoài phạm vi chỉ giới theo thiết kế kỹ thuật của dự án. Nhà thầu phát hiện có đất sét cao lanh nên đã tập trung toàn bộ máy móc, phương tiện để khai thác khoáng sản trái phép chở ra khỏi địa bàn xã Phú Lạc, bắt đầu từ ngày 22/11/2016. Không tập trung xây dựng nâng cấp công trình như trong dự án đã được duyệt.
Công trình hồ Đầm Vầu đã được khởi công theo đúng tiến độ. UBND xã Phú Lạc thực hiện giám sát và nhận thấy: Công trình hồ Đầm Vầu nạo vét trong chỉ giới theo thiết kê kỹ thuật của dự án. Nhà thầu phát hiện đất sét cao lanh nên đã tập trung máy móc, phương tiện để khai thác khoáng sản trái phép...”.
Báo cáo của UBND xã Phú Lạc về dự án
Báo cáo số 192/BC-UBND xã Phú Lạc ngày 01/12/2016, do ông Nguyễn Kiên Cường, Chủ tịch ký ngày 01/12/2016 trình lên UBND huyện Đại Từ, Thường trực Đảng ủy xã về việc những người dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng đến giao thông cũng như thiếu nước phục vụ tưới tiêu. Bên cạnh đó, kiến nghị UBND huyện Đại Từ hỗ trợ hoặc có biện pháp khắc phục giúp bà con.
Tuy nhiên, đơn kiến nghị của bà con đều rơi vào im lặng. Thông tin người dân phản ánh cho rằng, nhà thầu đã cố tình khai thác cao lanh trái phép, vi phạm pháp luật, chỉ vì mục đích lợi ích riêng đã không tập trung vào việc nâng cấp công trình theo đúng phê duyệt của dự án, khiến bà con nơi đây vô cùng bức xúc bởi không được coi trọng khi phát hiện và tố giác hành vi vi phạm pháp luật của nhà thầu.
Người dân cho biết: “Chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước, hơn nữa đây lại là công trình thủy nông phục vụ tưới tiêu nên chúng tôi chấp nhận mức bồi thường chỉ 10 triệu đồng/sào ruộng, không ngờ họ lại khai thác mỏ. Việc khai thác mỏ khiến nhiều giếng nước ngầm của các hộ dân quanh khu vực mất hẳn nguồn nước, mất cả ruộng”.
Việc xã làm báo cáo, không được cấp trên cho kiểm tra xem xét kịp thời để chỉ đạo, cũng khiến cho xã không chủ động và thực hiện được đúng với vai trò, trách nhiệm của mình. Xã bất lực trước hành vi ngang nhiên vi phạm pháp luật, thậm chí trong thời gian khai thác, đã có một số phần tử đứng ra ngăn chặn những ai đến quay phim, chụp ảnh với lý do bảo vệ hiện trường"...
Khai thác quặng “núp” bóng dự án?
Nhận thấy, đây chỉ là một dự án “trá hình” - một phi vụ khai thác quặng trái phép mà nhóm lợi ích đang cố ý che dấu hành vi của mình bằng hàng loạt văn bản "đúng quy trình". Chủ trương hoàn toàn đúng, hành lang pháp lý là nhất quán; tuy nhiên, nhóm lợi ích đó đã cố tình làm sai lệch thông tin khiến bản chất sự việc cũng vì thế bị hiểu sai.
Điều đó được thể hiện bằng Công văn số 10/CV-XDĐT, do ông Vũ Hải Cường, Giám đốc Công ty CPĐT&XD Đại Từ ký ngày 07/11/2016 gửi lên UBND tỉnh, Sở TN&MT, UBND huyện Đại Từ về việc xin được tận thu bùn và đất hạt mịn để trồng cây ăn quả và làm vật liệu xây dựng thông thường.
Vậy căn cứ vào đâu để nhà thầu khẳng định đây chỉ là bùn và đất hạt mịn khi xã đã làm báo cáo và khẳng định đây là sét trắng cao lanh?
Vì sao nhà thầu lại có thể ngày đêm dùng xe tải chở đất đi mà không hề gặp cản trở?
Xin trở lại các nội dung văn bản liên quan.
Ngày 10/11/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Văn bản số 4373/UBND-CNN gửi Sở TN&MT với nội dung: Giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, xem xét, kiểm tra thực tế, thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh về nội dung đề nghị của Công ty CPĐT&XD về việc tận thu đất tại khu vực lòng hồ Trại Mới (huyện Đại Từ) theo đúng quy định của pháp luật.
Để có cơ sở thống nhất, tham mưu cho tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở xây dựng; Sở Công thương, UBND huyện, Ban quản lý thủy nông huyện và nhà thầu tổ chức buổi thực địa khu vực nêu trên.
Những máy xúc đang hoạt động tại dự án
Tại Biên bản kiểm tra thực địa ngày 17/11/2016, được ghi ở phần 1.1 (hiện trạng nằm trong phần 1 của kết quả kiểm tra trong phần II nội dung) có ghi:.. “Lớp đất tại lòng hồ gồm có lớp đất bùn màu đen, dày khoảng 1 - 2 m, lớp đất sét màu vàng có chiều dày khoảng 1 - 1,5 m”...
Quy trình rất chuẩn mực, nhưng lỗi do đâu; sai ở khâu nào? Cả một ban bệ kiểm tra không phát hiện ra cao lanh, trong khi xã và dân đều biết đó là một loại quặng có giá trị cao?
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên vào cuộc làm rõ, để không làm mất đi nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.
TH&CL sẽ tiếp tục đăng tải để làm rõ bản chất vụ việc.
Nhóm PV