Sau nhiều lần xin ngừng hoạt động, tới nay Nhà máy rác Phương Đình vẫn chưa hẹn ngày hoạt động trở lại
Không có chuyện rác lẫn nhiều VLXD
Như Thương hiệu & Công luận nhận đã có bài viết phản ánh, liên quan tới những bức xúc của người dân tại xã Thọ Xuân, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) về việc Nhà máy rác Phương Đình hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường dẫn tới lãng phí nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Hà Nội.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Thành Quang (Công ty Thành Quang) cho rằng, việc Nhà máy rác Phương Đình liên tục phải ngừng tiếp nhận rác để sửa chữa, nâng cấp công nghệ là do tính chất đặc thù của nguồn rác thải sinh hoạt ở Việt Nam. Hơn nữa, trong rác thải có chứa quá nhiều nước dẫn tới rác có độ ẩm cao, ướt nên xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Đồng thời, cũng do phía đơn vị thu gom rác, khi thu gom lẫn VLXD, nhiều khi đang đốt có những mảng bê tông to hoặc cả viên gạch làm ảnh hưởng lò đốt, gây tắc nghẽn.
Trước thông tin trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Tùng, PGĐ HTX Thành Công – Chi nhánh Đan Phượng (đơn vị thu gom, vận chuyển rác phục vụ Nhà máy rác Phương Đình). Trao đổi với PV, ông Tùng khẳng định: Không có chuyện rác lẫn nhiều VLXD!
Lý giải cho khẳng định của mình, ông Tùng nói, khi rác được nhập qua cổng của nhà máy thì đều có kiểm tra, đặc biệt phía HTX cũng yêu cầu công nhân vận chuyển, thu gom không được để lẫn chất thải VLXD.
Còn việc phía Công ty Thành Quang cho rằng, rác có nhiều nước dẫn tới khối lượng rác lớn là hoàn toàn không hợp lý. Bởi theo quy định, khi tập kết và thu gom, rác đã được ép hết nước. Hơn nữa, nếu rác mà có nhiều nước thì quá trình vận chuyển nước rỉ rác sẽ chảy ra đường, khi đó sẽ bị phạt rất nặng, do vậy không lái xe nào dám tham gia giao thông, phải xả hết nước rỉ rác rồi mới dám di chuyển.
Cũng theo ông Tùng, khi Nhà máy rác Phương Đình không hoạt động thì lượng rác theo kế hoạch sẽ phải vận chuyển đi nơi khác, cụ thể là lên bãi xử lý ở Xuân Mai. Từ đó, chi phí vận chuyển, thu gom sẽ phát sinh tăng thêm.
Khi được hỏi về hiệu quả trong quá trình hoạt động của Nhà máy rác Phương Đình, ông Tùng cho hay: “Theo kế hoạch ban đầu, đơn vị thu gom thực hiện vận chuyển về nhà máy để xử lý trong 1 tháng, tuy nhiên, chỉ sau 20 ngày thu gom thì các bể chứa rác đã đầy, không xử lý kịp. Chỉ cần nhìn vào đây là biết công suất có đáp ứng thiết kế ban đầu hay không…”.
Đồng quan điểm, đại điện Công ty CP Môi trường Tân Hội (một đơn vị thu gom, vận chuyển rác khác cũng phục vụ Nhà máy rác Phương Đình) cho rằng, là đơn vị thu gom, chẳng công nhân nào lại đi thu gom VLXD vào rác thải sinh hoạt, còn vấn đề rác nhiều nước, cũng không ai thêm nước vào để vận chuyển.
Sử dụng nguồn vốn ưu đãi không hiệu quả?
Tờ trình của Sở Xây dựng Hà Nội (đơn vị ủy quyền của UBND TP.Hà Nội) chấp thuận cho Công ty Thành Quang là nhà đầu tư Nhà máy rác Phương Đình
Theo tài liệu PV thu thập được, Nhà máy rác Phương Đình được UBND TP. Hà Nội chấp thuận về chủ trương đầu tư tại QĐ số 10984/UBND-GT ngày 13/11/2009 với mục tiêu “Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và các loại rác thải đặc thù khác, góp phần giảm thiểu chôn lấp rác thải của khu vực, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Ngày 23/3/2011, UBND huyện Đan Phượng có Văn bản số 123/UBND-TNMT gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong đó đề nghị cho phép Công ty Thành Quang là nhà đầu tư xây dựng nhà máy xỷ lý rác thải tại xã Phương Đình bằng công nghệ đốt tiên tiến, công suất 150 tấn/ngày với dự toán đầu tư ban đầu là hơn 135 tỷ đồng; và được Sở xây dựng Hà Nội (đơn vị ủy quyền của UBND TP. Hà Nội) chấp thuận tại Tờ trình số 2921/SXD-MTCTN ngày 11/5/2011.
Sau khi được chấp thuận chưa lâu, ngày 6/09/2011, Công ty Thành Quang “bỗng” có Tờ trình số 189/TTr-TQ xin điều chỉnh quy mô công suất xử lý từ 150 tấn/ngày lên 200 tấn/ngày với lý do: "Toàn bộ thiết bị dây chuyền công nghệ được nhập khẩu đồng bộ với công suất trung bình là 200 tấn rác/ngày và xử lý tối đa hết công suất sẽ đạt 250 tấn/ngày đêm. Việc áp dụng dây chuyền công nghệ đốt tiên tiến giúp tăng hiệu quả của dự án, cũng như góp phần giảm tải đáng kể lượng rác thải sinh thải tồn đọng và phải đưa đi chôn lấp. Đồng thời, tạo ra một cơ sở xử lý rác thải công nghệ tiên tiến, an toàn về môi trường, tiết kiệm tài nguyên đất, giảm tải cho các khu xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp hiện tại của TP. Hà Nội”.
Trước những khẳng định của Công ty Thành Quang, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận điều chỉnh tại Văn bản số 8447/UBND-TNMT ngày 04/10/2011 với một kỳ vọng rất lớn.
Tổng mức đầu tư của Nhà máy rác Phương Đình sau khi điều chỉnh là hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của Công ty Thành Quang là 75,280 tỷ đồng (chiếm 30% tổng mức đầu tư); nguồn vốn vay ưu đãi là 175,654 tỷ đồng (chiếm 70% tổng mức đầu tư).
Với việc đầu tư vào lĩnh vực môi trường, Công ty Thành Quang được hưởng ưu đãi theo Nghị định 04/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn được hưởng các ưu đãi khác như được giao đất 50 năm và miễn nộp tiền sử dụng đất, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
Tuy nhiên, thực tế, kể từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy rác Phương Đình đã xin tạm ngừng hoạt động 2 lần để bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp thiết bị và chỉ mới hoạt động trở lại từ tháng 2/2018. Đáng nói hơn nữa, nhà máy lại tiếp tục xin tạm dừng hoạt động từ ngày 3/4/2018, cũng với lý do nâng cấp thiết bị, khắc phục sự cố. Theo kế hoạch thì, tới ngày 1/8/2018 sẽ hoạt động trở lại, nhưng sau đó, Công ty Thành Quang tiếp tục có văn bản xin tạm dừng nhập rác từ ngày 1/8/2018 tới ngày 1/10/2018 để cải tạo, thay thế thiết bị.
Nhưng quan ngại hơn, chiều 1/10/2108, khi PV liên hệ lại với đại diện công ty Thành Quang thì được xác nhận: “Tới thời điểm này, Nhà máy rác Phương Đình vẫn chưa thể đưa trở lại hoạt động với lý do chưa hoàn thiện, một số hạng mục vẫn chưa thể khắc phục xong nên cần điều chỉnh tiếp và chưa biết thời gian chính thức hoạt động trở lại”.
Bên cạnh đó, theo báo cáo mà Công ty Thành Quang cung cấp, bắt đầu từ 1/3/2018, Nhà máy rác Phương Đình tiếp nhận và xử lý theo phân luồng của Sở Xây dựng Hà Nội và Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị với khối lượng là 88 tấn/ngày; công suất thực tế của nhà máy chỉ ước đạt 60 tấn/ngày (công suất thiết kế là 200 tấn/ngày), tức là công suất thực của nhà máy chỉ đạt 1/3 thiết kế ban đầu.
Như vậy, có thể thấy, chỉ trong hơn 2 năm đi vào hoạt động, Nhà máy rác Phương Đình đã ít nhất 4 lần xin ngừng hoạt động để nâng cấp, sửa chữa, khắc phục sự cố.
Câu hỏi đặt ra: Nhà máy rác trăm tỷ này đang sử dụng công nghệ có thực sự tiên tiến như quảng cáo; hoạt động có thực sự hiệu quả như kỳ vọng? Có hay không việc lợi dụng chính sách hỗ trợ về môi trường để trục lợi?...
Nhà máy xử lý cả rác thải y tế?
Nhà máy rác trăm tỷ Phương Đình có chức năng xử lý rác thải y tế?
Ngoài ra, điều khiến PV bất ngờ đó là tại buổi làm việc với đại diện Công ty Thành Quang trước đó, trong những tài liệu mà đơn vị này cung cấp lại có phiếu kết quả phân tích khí thải lò đốt chất thải rắn y tế, do Viện Nghiên cứu da giày (Bộ Công thương) cấp (?!).
Đặc biệt, tờ kết quả này có quá nhiều thông tin bất thường như ngày lấy mẫu là 29/7/2016, nhưng ngày ký kết quả lại là 8/8/2015 và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (?!).
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Đông Hiếu, Phó phòng TN&MT huyện Đan Phượng khẳng định: “Nhà máy rác Phương Đình không có chức năng xử lý chất thải y tế, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra lại về phiếu kết quả này”.
Còn đại diện Công ty Thành Quang, sau khi PV trao đổi về việc trên, đã xin rút lại tờ kết quả này với lý do: “Chắc bên Viện Nghiên cứu da giày đánh máy nhầm” (!).
Dư luận không khỏi nghi ngờ về kết quả của những đợt kiểm tra đối với các tiêu chí đảm bảo môi trường tại Nhà máy rác Phương Đình.
Có hay không việc mua kết quả phân tích; tính xác thực của các phiếu kết quả này hay chỉ nhằm che mắt cơ quan chức năng và người dân?
Đối với hoạt động thu gom, xử lý chất thải nguy hại (CTNH):
Theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT quy định về địa điểm cơ sở xử lý CTNH (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý CTNH) phải thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định pháp luật. Người đảm nhiệm quản lý, điều hành, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật không những phải có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học mà còn phải được cấp chứng chỉ quản lý CTNH theo quy định…
Hải Minh - Bùi Quyền