Mới đây, theo báo cáo gửi Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cho biết, trong chiến lược phát triển giai đoạn từ năm 2021 - 2030, doanh nghiệp này sẽ ưu tiên bố trí tối đa nguồn lực để tham gia các dự án đầu tư xây dựng và khai thác các cơ sở hạ tầng tại Cảng HKQT Long Thành, nhằm đảm bảo cung ứng dịch vụ đồng bộ cho hoạt động vận tải hàng không của hãng cũng như các hãng hàng không khác trong khu vực.
Trong đó, các dịch vụ gồm cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không.
Vietnam Airlines cũng tổ chức hoạt động kinh doanh và phục vụ hành khách tại nhà ga như dịch vụ phòng chờ cho hành khách, bán hàng miễn thuế và các dịch vụ hàng không khác. Đây cũng là những dịch vụ Vietnam Airlines đã và đang khai thác tại nhiều sân bay lớn hiện nay thông qua các công ty con, công ty liên kết.
Theo Vietnam Airlines, hiện quy mô hoạt động và lợi nhuận của các doanh nghiệp này đều tăng trưởng mạnh qua các năm. Riêng giai đoạn 2015 - 2019, tổng số cổ tức/lợi nhuận Vietnam Airlines nhận từ các doanh nghiệp có vốn góp là hơn 5.074 tỉ đồng, đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư bình quân hàng năm là 16%.
Theo ước tính, tổng mức đầu tư các dịch vụ này của Vietnam Airlines tại sân bay Long Thành lên tới gần 10.000 tỉ đồng, trong đó dự kiến 30% là nguồn vốn chủ sở hữu và 70% còn lại từ vốn vay.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đối với Vietnam Airlines và các đơn vị con có đủ cơ sở hạ tầng và mặt bằng để khai thác tại nhà ga hành khách, cũng như đáp ứng yêu cầu khai thác và nhu cầu phát triển; xem xét bố trí nhà ga/cánh nhà ga riêng cho Vietnam Airlines...
Việc Vietnam Airlines đề xuất đầu tư (theo cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên) vào Sân bay Long Thành dựa trên 70% vốn vay liệu có khả thi?!
Như Thương hiệu và Công luận đã có bài viết về những nguyên nhân dẫn tới việc lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng trong năm 2020 của Vietnam Airlines.
Theo đó, tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 62.967 tỷ đồng, giảm 17,6% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa (xuống còn gần 1.647 tỷ đồng), các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh (từ hơn 3.579 tỷ đồng xuống còn hơn 494 tỷ đồng). Trong khi đó, vay nợ tài chính ngắn hạn tăng 72% (lên gần 11.187 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu giảm từ hơn 18.507 tỷ đồng xuống còn gần 6.141 tỷ đồng.
Ngoài ra trong kỳ, Vietnam Airlines phải chịu thêm khoản chi phí tài chính tăng 62% (lên hơn 79 tỷ đồng). Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm từ hơn 228 tỷ đồng xuống còn hơn 144 tỷ đồng, lợi nhuận khác giảm từ gần 216 tỷ đồng xuống còn hơn 128 tỷ đồng.
Kết quả trên dẫn tới tổng lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines ghi nhận âm gần 377 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi hơn 97 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế âm hơn 422 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 24 tỷ đồng). Lũy kế cả năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 40.613 tỷ đồng (giảm 59% so với năm 2019), lợi nhuận sau thuế âm gần 11.098 tỷ đồng (trong khi đó cùng kỳ lãi hơn 2.537 tỷ đồng).
Trước đó, theo thống kê của Vietnam Airlines, trong năm 2020, Vietnam Airlines khai thác khoảng 96.500 chuyến bay (giảm hơn 48% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Sản lượng hành khách của hãng cũng ước đạt 14,23 triệu lượt, hàng hóa khoảng gần 195.000 tấn (giảm lần lượt 51% và 47% so với năm 2019).
Như vậy, câu hỏi đặt ra rằng, những kết quả mà Vietnam Airlines đang "gánh chịu" trong năm 2020 hoàn toàn do khách quan dịch Covid – 19 ập tới? Hay là do khâu quản lý, kinh doanh, bộ máy lãnh đạo,…?! Và thua lỗ như vậy thì ai chịu trách nhiệm?...
Đầu năm nay, Vietnam Airlines đã được Chính phủ thông qua phương án giải cứu, trong đó Ngân hàng Nhà nước được giao tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0% với tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay. Đồng thời, Chính phủ cũng giao Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng các quy định theo Luật Chứng khoán và Nghị quyết 135 của Quốc hội. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines.
Sân bay Long Thành được khởi công ngày 5/1/2021. Theo quy hoạch, sân bay Long Thành được xây dựng theo 3 giai đoạn đến năm 2040, bao gồm: bốn đường cất hạ cánh, bốn nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và năm triệu tấn hàng hoá mỗi năm.
Tại giai đoạn một, các hạng mục tại Long Thành được chia làm 4 dự án thành phần, trong đó ACV làm chủ đầu tư dự án thành phần ba gồm: hạng mục rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, đường giao thông kết nối, đường băng, nhà ga hành khách và hạ tầng hàng không phụ trợ... Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3 là khoảng 99.000 tỷ đồng.
Hoàng Dương - Nguyễn Tùng