Cụ thể, nội dung phản ánh cũng cho rằng, trong thời gian 3 năm qua, đã nhiều cuộc đối thoại được diễn ra nhưng VNA không có sự hợp tác nhằm tháo gỡ tình hình. Do đó, các phi công cho rằng đã có sự bóc lột, gây tâm lý bất an đối với người làm việc trong môi trường luôn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, ảnh hưởng đến an toàn bay và sự cạnh tranh lành mạnh đối với các doanh nghiệp cùng ngành.
Trong đơn, nhóm phi công khẳng định: “Trong 3 năm qua chúng tôi đã đối thoại với VNA rất nhiều nhưng không nhận được bất kỳ một sự hợp tác nào… Môi trường làm việc không được đảm bảo, có sự bóc lột lao động và gây những bức xúc trong công việc cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các phi công. Lương phi công cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không…”.
Đơn thư phản ánh của tập thể phi công VNA
Trong đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan truyền thông, tập thể các phi công cũng phân tích những bất cập trong những Thông tư liên quan của Bộ GTVT, vi phạm Luật Lao động, gây khó dễ cho những người muốn xin nghỉ việc. Cụ thể, VNA yêu cầu các phi công phải thông báo về thời gian nghỉ việc trước 120 ngày, trong khi tại điều 35, Luật Lao động chỉ quy định là 45 ngày.
Tiếp đó, VNA còn yêu cầu các phi công phải bồi hoàn số tiền từ 2 tỷ đến 3,5 tỷ đồng, là khoản chi phí đào tạo nhưng không có những hóa đơn hợp lệ để chứng minh. Những quy định này trở thành rào cản đối với các phi công đang làm việc ở hãng, khiến họ lâm vào tình trạng đi cũng dở, ở không xong.
Theo thông tin cho biết hiện lương của phi công làm việc tại VNA là từ 120 – 130 triệu đồng/tháng đối với Cơ trưởng, còn Cơ phó là khoảng 60 – 70 triệu đồng/tháng. Trong khi tại các hãng khác có thể trả tới 150 – 160 triệu đồng/tháng.
Điều đáng chú ý nữa được nêu ra cho thấy có sự phân biệt đối với phi công người Việt và nhóm phi công người nước ngoài “Cùng trình độ và bằng cấp như nhau, nhưng cũng ngay tại Vietnam Airlines, lương của phi công Việt thậm chí chưa bằng một nửa lương phi công nước ngoài”, một phi công cho biết.
Hoàng An