Theo giới thiệu của WTO.com.vn là trang thông tin của Tổng Công ty cổ phẩn Thương mại Xây dựng - Vietracimex thì Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải.

WTO giới thiệu tiếp: Trải qua gần 60 năm hoạt động, Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - Vietracimex đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực Bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và các ngành Dịch vụ khác.

Cũng theo WTO thì đến nay, Tổng Công ty đã có hơn 1.500 cán bộ, công nhân viên tại trụ sở chính ở Hà Nội và các công trường ở Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ngãi, TP. HCM… WTO giới thiệu về Tầm nhìn - Sứ mệnh; Lịch sử hình thành và phát triển; Các dự án đã triển khai, đang triển khai; Những thành tựu nhưng tuyệt nhiên không hề thấy WTO đưa ra những khó khăn, những bật cập, những vi phạm, những nợ nần, những việc bị khiếu kiện...để rút kinh nghiệp, để lấy đó làm bài học tốt hơn.

Ngày 14/03, tạp chí Thương hiệu & Công luận đăng bài:  "Điểmdanh những "vết sẹo lồi" mang tên thương hiệu Vietracimex - Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng"https://thuonghieucongluan.com.vn/diem-ten-nhung-vet-nho-kho-got-mang-thuong-hieu-vietracimex-tong-cong-ty-cp-thuong-mai-xay-dung-a165279.html. Dù chỉ là bài viết có nội dung tổng hợp nhưng cũng nhận được nhiều, rất nhiều tương tác của độc giả. Nhiều độc giả cung cấp thêm thông tin về các vi phạm của Vietracimex - Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - WTO ở nhiều dự án đang thực hiện; về việc bán cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

Bài viết thứ hai: Vietracimex lại bị réo tên vì nợ thuế “khủng”, dính nhiều sai phạm tại dự án Hinode City mang đến cho độc giả toàn cảnh dự án tai tiếng Hinode City chưa bảo đảm về nhiều thứ nhất là vi phạm về công tác phòng cháy chữa cháy và về việc Vietracimex - Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - WTO nhiều lần bị "bêu tên" vì nợ thuế. Và, vấn đề đặt ra, sản phẩm mà Vietracimex - Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - WTO tạo ra, nhà đầu tư, khách hàng, người tiêu dùng mua phải là sản phẩm lỗi, bị nợ thuế Nhà nước thì đó là vi phạm gì?

Tọa lạc tại 201 Minh Khai - khu vực trung tâm tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, Hinode City nắm giữ chìa khóa chạm đến cánh cửa trái tim mỗi người khi tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất thủ đô. Với ưu thế vượt trội khi sở hữu "vị trí vàng" trung tâm thành phố, Hinode City thừa hưởng hệ thống giao thông đồng bộ, tiện ích tại khu vực với đầy đủ tiện ích xã hội như: TTTM Time City, Đại học Bách khoa, khu phố đi bộ, Hồ Gươm,....

Dự án còn là cầu nối giúp dân cư dễ dàng di chuyển đến khu vực trung tâm thành phố và các khu vực lân cận như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên,.... trở thành sự lựa chọn hàng đầu với những khách hàng năng động của tương lai. Những tiện ích trên của dự án đều được Vietracimex - Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng quảng bá rất rầm rộ trên trang web chính thức của mình là WTO.com.vn

Nhưng trái ngược lại sự kỳ vọng của người dân Hà Nội, lại là những lùm xùm không hay về dự án Hinode City.

Sản phẩm lỗi nên liên tục điều chỉnh quy hoạch nhằm “hợp thức hóa” sai phạm

Dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ, tên thương mại Hinode City có địa chỉ tại số 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội do Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO làm chủ đầu tư.

Được quảng cáo là dự án sở hữu vị trí hiếm có tại trung tâm quận Hai Bà Trưng với phong cách Nhật Bản khác biệt hướng tới sự thịnh vượng, đẳng cấp đích thực cho dự án và cuộc sống hạnh phúc vững bền cho cư dân. Tuy nhiên dù đang trong quá trình xin điều chỉnh phương án kiến trúc và khắc phục vi phạm xây dựng sai phép chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy… chủ đầu tư vẫn cho cư dân về ở trái phép bất chấp an toàn và quy định pháp luật.

Quá thời gian khắc phục sai phạm theo quyết định xử phạt chủ đầu tư dự án Hinode City nhưng cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng không thực hiện cưỡng chế
Quá thời gian khắc phục sai phạm theo quyết định xử phạt chủ đầu tư dự án Hinode City nhưng cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng không thực hiện cưỡng chế.

Theo tìm hiểu của  PV Thương hiệu & Công luận, trước đó Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội đã có các công văn số 4296 (ngày 23/12/2010), công văn số 2827 (ngày 17/8/2011) chấp thuận điều chỉnh Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc tại khu đất số 201 Minh Khai.

Đến ngày 27/12/2011, UBND TP. Hà Nội có quyết định về việc cho phép Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO chuyển mục đích sử dụng hơn 31.000m2 đất tại số 201 Minh Khai để thực hiện dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (tên thương mại là HinodeCity).

Ngày 20/09/2016, Bộ Xây dựng có công văn số 2061 về việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ và dự án đầu tư xây dựng.

Công văn số 2559/UBND-SXD của UBND TP. Hà Nội về việc chấp thuận điều chỉnh đầu tư dự án Honode City
Công văn số 2559/UBND-SXD của UBND TP. Hà Nội về việc chấp thuận điều chỉnh đầu tư dự án Hinode City.

Ngày 25/05/2017, UBND TP. Hà Nội có công văn 2559 về việc chấp thuận điều chỉnh đầu tư dự án. Trong đó, Hà Nội đồng ý cho Vietracimex thay đổi nhiều nội dung tại dự án Hinode City như: Tổng số căn hộ được điều chỉnh là 1.099 căn hộ (tăng 289 căn hộ so với nội dung được duyệt trước đó); Quy mô dân số tăng 159 người; Tổng mức đầu tư dự kiến giảm hơn 2 nghìn tỷ đồng; Thời gian thực hiện dự án được đẩy lùi về năm 2017-2021 (trong khi nội dung được duyệt trước đó là 2011-2016).

Đến ngày 28/07/2017, Sở QHKT có công văn số 4928 chấp thuận bản vẽ điều chỉnh phương án kiến trúc các hạng mục công trình tại dự án.

Dự án cũng nhiều lần được điều chỉnh giấy phép xây dựng (GPXD). Cụ thể: Ngày 14/06/2016, dự án được Sở Xây dựng cấp GPXD số 49; Ngày 08/12/2017, Sở Xây dựng cấp GPXD số 150.

Sau nhiều lần điều chỉnh, quá trình triển khai dự án chủ đầu tư đã không tuân thủ các quy định khi xây dựng sai với các quyết định đã được thẩm duyệt. Gần nhất là tháng 09/2019, UBND quận Hai Bà Trưng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO - chủ đầu tư công trình số 201 Minh Khai do đã thực hiện hành vi vi phạm là "Tổ chức thi công xây dựng sai Giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp".

Ngày 18/09/2019, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với Vietracimex về hành vi vi phạm “Tổ chức thi công xây dựng sai giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”. UBND quận yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh GPXD; nếu hết thời hạn 60 ngày sẽ áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà các sai phạm này sau đó không hề bị cưỡng chế tháo dỡ, còn các hoạt động thi công xây dựng tại dự án thì được thực hiện rầm rộ hơn khi chưa bị kiểm tra, xử phạt.

Ngày 28/04/2020, Sở QHKT TP. Hà Nội đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc việc điều chỉnh về bố trí cơ cấu mặt bằng công năng một số tầng tại các hạng mục công trình công trình thuộc dự án Hinode City. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO, chủ đầu tư dự án liên hệ với Sở Xây dựng kiểm tra hồ sơ, thẩm định an toàn kết cấu công trình và hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung GPXD đã được cấp theo quy định; liên hệ với Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Bộ Công an để được hướng dẫn thẩm định phương án PCCC; chỉ được xây dựng khi được cấp GPXD bổ sung và hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, “bỏ ngoài tai” chỉ đạo của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO vẫn thực hiện thi công hoàn thiện khối toà nhà hỗn hợp của dự án Hinode City nằm tại mặt đường Minh Khai. Và trong khi các sai phạm vẫn chưa được khắc phục và xử lý dứt điểm thì Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO, chủ đầu tư đã gấp rút ‘’lùa” cư dân vào ở tại 02 khối chung cư với khoảng 400 căn hộ bên trong dự án; tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn PCCC và an ninh trật tự.

Cũng theo tài liệu của PV Thương hiệu & Công luận, tại phương án chấp thuận bản vẽ điều chỉnh phương án kiến trúc của Sở QHKT tại văn bản số 4928 (ngày 28/07/2017) nhà trẻ được bố trí ngay tại tầng 1 toà nhà hỗn hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở (ký hiệu khối 01) với diện tích sàn sử dụng khoảng 443m2. Thì tại phương án điều chỉnh được Sở QHKT chấp thuận lần này tại văn bản số 1970 (ngày 28/04/2020), nhà trẻ tại tầng 1 khối 01 “biến mất” và được dịch chuyển sang tầng 1 với diện tích sàn sử dụng khoảng 138m2 và tầng 02 với diện tích sàn sử dụng khoảng 507m2 tại toà nhà chung cư (ký hiệu khối 03).

Khu vực sinh hoạt cộng đồng trước đó được bố trí ở tầng 4 Toà nhà hỗn hợp khối 01 với diện tích sàn khoảng 199m2 và tầng 6-10 với diện tích sàn sử dụng khoảng 191m2/tầng tại toà nhà chung cư (ký hiệu khối 02). Ở lần điều chỉnh mới diện tích sàn sử dụng sinh hoạt cộng đồng tại tầng 4 khối 01 với diện tích sàn sử dụng khoảng 377m2; tầng 6-10 khối 02 không còn bố trí chức năng sinh hoạt cộng đồng chỉ bố trí chức năng căn hộ ở, thương mại dịch vụ, văn phòng và khu kỹ thuật phụ trợ. Khu vực sinh hoạt cộng đồng dịch chuyển sang tầng 4 toà nhà chung cư khối 02 với diện tích khoảng 359m2 và khoảng 287m2 tại tầng 04 toà nhà chung cư khối 03.

Nợ thuế “khủng”, hệ lụy kéo theo người tiêu dùng, khách hàng, cư dân chịu thiệt

Cho rằng, Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO, chủ đầu tư đã quảng cáo sai sự thật, chậm trễ làm thủ tục trả sổ hồng căn hộ trong dự án Hinode City, nhiều cư dân đã căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối quyết liệt. Theo Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO hiện đang "sở hữu" khoản nợ khó thu hơn 143 tỷ đồng tại dự án này. Việc chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính có phải nguyên nhân gây ra tình trạng chậm trễ trong cấp sổ hồng cho cư dân?

Chiều ngày 01/03/2022, hàng trăm cư dân sống tại dự án Hinode City, 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội do Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - Viettracimex - nay là WTO, làm chủ đầu tư đã cùng nhau “xuống đường”, mang theo nhiều băng rôn, khẩu hiệu với nội dung yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức họp mặt và đối thoại với cư dân, nhằm giải quyết các vấn đề bất cập đang còn tồn tại, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc xem xét, giải quyết. Phần lớn băng rôn, khẩu hiệu đều có chung một số nội dung như: “CĐT Vietracimex, WTO quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng”; “Cư dân Hinode City 201 Minh Khai kêu cứu các cơ quan chức năng, yêu cầu CĐT Vietracimex đối thoại và giải quyết bức xúc của cư dân"; “CĐT Vietracimex bàn giao chậm trễ, không có sổ hồng”…

Ngày 01/03/2022 cư dân sống tại dự án Hinode City căng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư phải giải quết những vấn đề bất cập của dự án
Ngày 01/03/2022 cư dân sống tại dự án Hinode City căng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư phải giải quết những vấn đề bất cập của dự án.

Đại diện tập thể cư dân cho biết, cư dân đã nhiều lần phản ánh và có đơn kiến nghị gửi tới chủ đầu tư về việc sớm tiến hành các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho cư dân và khẩn trương tổ chức hội nghị nhà chung cư nhằm sớm bầu ra Ban Quản trị. Nhưng sau nhiều lần kiến nghị, cư dân vẫn không nhận được phản hồi từ phía Vietracimex- WTO.

Theo cư dân, đáp lại những kiến nghị của cư dân là sự im lặng rất khó hiểu từ phía Vietracimex; khi đã nhiều tháng trôi qua, đơn vị này vẫn không đưa ra một câu trả lời thỏa đáng.

Tại Báo cáo số 20/BC-HĐND về Kết quả tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm đất đai trên địa bàn thành phố, HĐND TP. Hà Nội đã nhắc tên Vietracimex; đồng thời chỉ rõ sai phạm của đơn vị này trong việc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất tại dự án Hinode City, 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng.

Theo đó, dự án Đầu tư xây dựng Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ, tên thương mại Hinode City; 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội do Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO làm chủ đầu tư là một trong số 38 dự án nợ ngân sách Nhà nước, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất; và thuộc Danh mục các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đến hết ngày 30/05/2021.

Dự án này hiện nợ ngân sách Nhà nước số tiền 143,384 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền chậm nộp còn phải thu tính đến thời điểm cuối tháng 05/2021. Khi phân tích khoản tiền chậm nộp này của Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO, HĐND TP. Hà Nội đã nêu rõ rằng đây là khoản tiền nợ khó thu. Quá trình đôn đốc thu hồi nợ, Cục thuế TP. Hà Nội đã tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, và mời đôn đốc nợ nhiều lần.

Theo đại diện của Công ty Luật TNHH Minh Khuê thì: Khi việc mua bán căn hộ giữa khách hàng và chủ đầu tư tại dự án Hinode City là hợp pháp; đồng thời khách hàng đã thanh toán đủ số tiền mua nhà thì khách hàng hoàn toàn có quyền được cấp sổ hồng. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp khách hàng đã mua bán hợp pháp nhà ở với chủ đầu tư thì khách hàng vẫn có thể gặp phải rủi do trong việc cấp sổ hồng. Bởi lẽ, nếu chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì dù đã ra được sổ hồng, những cuốn sổ này vẫn sẽ bị cơ quan có thẩm quyền giữ lại cho đến khi chủ đầu tư thực hiện xong nghĩa vụ tài chính.

Điều này được quy định tại khoản 3, Điều 98 Luật Đất đai, là một chế tài nhằm đảm bảo việc thu hồi các khoản tài chính mà chủ đầu tư nợ Nhà nước. Thế nhưng, điều này vô hình chung lại làm ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng - những người mua bán nhà hợp pháp. Do vậy, khách hàng khi có nhu cầu mua nhà tại những dự án đầu tư xây dựng nhà ở cần phải tìm hiểu rất kỹ về năng lực, uy tín, ý thức chấp hành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của chủ đầu tư, để tránh gặp phải những vướng mắc ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của bản thân; tránh để xảy ra những trường hợp tương tự.

Thương hiệu & Công luận tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin chi tiết về tình hình tài chính, kinh doanh cũng như những sai phạm còn tồn tại ở các dự án mang thương hiệu Tổng Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng - Vietracimex - WTO.

Hoàng Thăng - Lê Pháp