Theo báo cáo của Sở Y tế Vĩnh Phúc, đến ngày 9/11, toàn tỉnh đã có 321 ca dương tính với Covid-19. Đặc biệt, hiện trên địa bàn có tới 5 chùm ca bệnh với hơn 30 ca mắc mới trong ít ngày qua, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ cao tiếp tục phát sinh trong cộng đồng.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch của một số địa phương, đơn vị, nhất là công tác quản lý, giám sát người về từ vùng dịch không nghiêm; hoạt động của các Tổ phòng, chống Covid cộng đồng, tổ liên gia tự quản có biểu hiện lơ là, mất cảnh giác, không sát địa bàn, không phát hiện được người đi về từ vùng dịch về địa phương, làm lây lan dịch bệnh; công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện chưa nghiêm, để một số cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định trong phòng, chống dịch.
Để tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo (BCĐ), các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cở sở tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; trong đó đặc biệt lưu ý một số nội dung.
Chấn chỉnh ngay công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khắc phục ngay những biểu hiện tự mãn, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân chủ quan, lơ là, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ để lây lan ra dịch bệnh trong cộng đồng ở 5 ổ dịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn, kiểm soát ngay dịch bệnh, không để lan rộng trong cộng đồng.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường chỉ đạo và kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở tất cả các địa phương, đơn vị trong tỉnh, nhất là các địa bàn dễ phát sinh dịch bệnh và các khu, cụm công nghiệp.
Chủ động mọi điều kiện và các giải pháp, kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo đúng phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid- 9”, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, không để phát sinh các ổ dịch mới trong cộng đồng, trong các khu, cụm công nghiệp.
Các huyện, thành ủy tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Chỉ đạo chấn chỉnh ngay hoạt động của các Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, các tổ liên gia tự quản trong việc rà soát, giám sát tình hình công dân ra/vào địa bàn, kịp thời báo cáo hằng ngày những di biến động về nhân khẩu với chính quyển địa phương.
Chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự ở các địa phương, nhất là các đối với các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh có điều kiện, những nơi tập trung đông người, nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch bệnh.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch ở tất cả các địa bàn dân cư; gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị và người được giao phụ trách địa bàn nếu để phát sinh dịch bệnh. Hệ thống đài phát thanh huyện, xã; loa truyền thanh ở thôn, tổ dân phố kịp thời cung cấp, cập nhật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo và phòng chống dịch bệnh hằng ngày. Địa phương nào thực hiện không tốt, Chủ tịch UBND cấp đó chịu trách nhiệm.
Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, siết chặt hơn nữa công tác quản lý địa bàn; chỉ đạo lực lượng công an, nhất là công an xã tăng cường quản lý chặt chẽ các khu dân cư để quản lý người đi/về, chịu trách nhiệm nếu để công dân từ các vùng dịch về Vĩnh Phúc mà không phát hiện được; để các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện (quán karaoke, massage...) vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Xem xét khởi tố đối những trường hợp chấp hành không nghiêm túc các quy định phòng chống dịch gây hậu quả nghiêm trọng để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.
Sở Y tế chủ động hướng dẫn về chuyên môn đối với các cơ sở y tế trong toàn tỉnh theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế về thành lập các Trạm y tế di động ở các địa bàn dân cư khi có dịch; việc bố trí các tủ thuốc ở các cơ quan, đơn vị và phương án truyền thông, hướng dẫn đề người dân tự lấy mẫu test nhanh, xét nghiệm.
Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên và nhân dân, đảm bảo tiêm hết số vắc xin được phân bổ mỗi đợt của Bộ Y tế. Chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi khi có vắc xin, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình phòng, chống dịch bệnh trong các nhà máy, phân xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của BCĐ phòng, chống dịch của tỉnh. Yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải có giải pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động do doanh nghiệp quản lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh và yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao hơn nữa tinh thần "chống dịch như chống giặc", tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương cần nghiêm túc quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Cụ thể, cần nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của tỉnh để áp dụng đúng, đủ theo phương châm, lỏng ngoài nhưng siết chặt kiểm soát ngay từ cơ sở, đồng thời linh hoạt theo điều kiện của đơn vị, địa phương mình với mục tiêu cốt lõi là nâng cao tối đa hiệu quả công tác chống dịch, hạn chế tối thiểu các ca mắc mới trong cộng đồng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Hoan Nguyễn