Đó là thực trạng tại Chợ tạm xã Hương Sơn- huyện Bình Xuyên- tỉnh Vĩnh Phúc, theo quan sát, khu vực Chợ tạm nằm ở vị trí dưới gầm cầu đường Cao tốc Hà Nội- Lào Cai, giáp sông Tranh, cách vị trí chợ cũ khoảng 200m. Với tổng diện tích lên đến hàng nghìn m2, việc xây dựng Chợ tạm sơ sài khi chỉ được bắn khung sắt và lớp tôn, tại vị trí đường lưu thông trong chợ được che phủ sơ sài bằng bạt, chợ hoạt động nhưng không có nhà vệ sinh, không có mương thoát nước thải, không hệ thống phòng cháy chữa cháy, rác không có bãi tập kết…
Hiện tại Chợ tạm xã Hương Sơn có hàng trăm tiểu thương buôn bán với đầy đủ các mặt hàng thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, cá… cho đến các mặt hàng gia dụng như nồi niêu, ấm chén, đồ điện, quần áo, giày dép. Việc bày bán và giết mỗ gia súc gia cầm tại Chợ và xả thải trực tiếp ra sông tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trao đổi với Pv Thương hiệu và Công luận, lãnh đạo xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên cho biết: “Do tại vị trí Chợ cũ của xã không đủ diện tích và đang trong quá trình xây dựng, xã và huyện cũng đã tìm hiểu 3- 4 vị trí nhưng không được nên mới chọn vị trí trên, hiện Chợ cũ mới xây dựng được nhà 2 tầng, còn các ki ốt chưa được xây dựng, với lại việc hàng trăm tiểu thương phải di chuyển vị trí buôn bán cách xa vị trí cũ sẽ ảnh hưởng đến việc buôn bán và cuộc sống của họ”.
Trước sự việc đau lòng xảy ra tại chợ tạm phương Khai Quang- TP Vĩnh Yên làm cháy rụi hàng chục ki ốt của người dân và nhiều tài sản khác. Người dân và dư luận lo sợ khi hoạt động của Chợ tạm xã Hương Sơn trong điều kiện "nhiều không" như vậy nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, đến lúc chính quyền xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên và các ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc nhằm tránh những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tương lai.
Đức Nam