“Vừa chống vừa xây”
Đợt dịch thứ tư kéo dài hơn so với các đợt dịch trước, mức độ ảnh hưởng cũng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt lần này, dịch tấn công vào những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN), đông công nhân, đó là Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương - với tốc độ lây lan nhanh, diện rộng, kéo theo nhiều hệ lụy về cả phương diện y tế lẫn kinh tế.
Tại Vĩnh Phúc, từ đầu tháng 5, tỉnh phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 bùng phát với các biến chủng mới; là địa phương có nhiều KCN, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường càng đặt ra những bài toán khó về cân bằng thực hiện mục tiêu kép.
Đặc biệt, có thời điểm, Vĩnh Phúc xuất hiện tới 4 ổ dịch Covid-19 với 90 ca bệnh. Trước nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan trong cộng đồng, lan vào các nhà máy, KCN, gây nguy cơ “đứt gãy” chuỗi sản xuất, kinh doanh, tỉnh Vĩnh Phúc đã linh hoạt, sáng tạo khi quyết định kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, thiết lập vùng cách ly y tế khu vực có F0; yêu cầu 326/326 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân; 100% doanh nghiệp cam kết thực hiện giám sát lịch trình đi lại, làm việc của đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, các chương trình làm việc giữa các đối tác.
Với trên 12.000 lao động ngoại tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp, Vĩnh Phúc cho dừng việc di chuyển cơ học số lao động từ các địa phương khác vào tỉnh, nhất là từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên về Vĩnh Phúc và ngược lại.
Cùng với đó, tạm dừng xe đưa đón công nhân từ các tỉnh vào Vĩnh Phúc và chỉ cho các xe hợp đồng đưa đón công nhân nội tỉnh hoạt động. Các chuyên gia ở lại, các công ty cần bố trí chỗ ăn, ở cho các chuyên gia hoặc làm việc online; tạm dừng tuyển lao động mới ngoại tỉnh.
Ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (KCN Bình Xuyên) nhận xét: Để ứng phó với đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 4 đến nay, doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định, yêu cầu của Bộ Y tế cũng như địa phương về phòng chống dịch.
Cụ thể, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam triển khai các biện pháp nâng cao cấp độ phòng dịch như thành lập Tổ an toàn thường xuyên kiểm tra việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi làm việc của toàn bộ nhân viên, người lao động; phun khử khuẩn toàn bộ nhà máy, xe ô tô đưa đón chuyên gia; lắp vách ngăn tránh giọt bắn tại các bàn ăn, phòng họp; tạm dừng toàn bộ các chuyến công tác, đón tiếp khách tại Công ty;
Tất cả lịch trình của chuyên gia người nước ngoài, lao động ngoại tỉnh đều được giám sát chặt chẽ; thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho những người đi về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc thường xuyên với lái xe, người giao hàng.
“Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh, công ty vẫn đảm bảo chế độ chính sách, quyền lợi của người lao động, hỗ trợ đối với các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế…”, ông Phạm Hồng Quân nhấn mạnh.
Với sự chủ động và tinh thần quyết liệt, Vĩnh Phúc bước vào cuộc chiến chống dịch mới với chiến lược mới - quyết tâm bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn.
Đồng thời, Vĩnh Phúc kiên trì thực hiện mục tiêu kép, giúp người dân và doanh nghiệp chủ động, dần thích ứng với trạng thái bình thường mới - vừa chống vừa xây (vừa chống dịch, vừa duy trì kinh tế, tiến tới phục hồi nền kinh tế của địa phương sau dịch).
Nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Vĩnh Phúc, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng rất cao, đạt mức 21,98% (riêng ngành công nghiệp tăng 23,26%); nông-lâm-thủy sản tăng 5,78%; dịch vụ tăng 7,54%.
Sự chủ động ứng phó, phục hồi, bứt phá sản xuất của ngành công nghiệp; đặc biệt là sản lượng hầu hết các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 (xe ô tô các loại tăng 50,47%, xe máy các loại tăng 3,15%, linh kiện điện tử tăng 30,04%...), đã đóng vai trò trụ đỡ chính và đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc.
Tốc độ tăng GRDP đạt 14,21% cũng là mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh Vĩnh Phúc trong 10 năm trở lại đây và là mức tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng Sông Hồng. Với mức tăng trưởng này, Vĩnh Phúc là tỉnh có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 3 trong cả nước, sau Hòa Bình và Ninh Thuận.
Bên cạnh việc thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, bứt phá tăng trưởng kinh tế, Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; kỳ thi tuyển sinh lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 an toàn, hiệu quả…
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, những thành quả trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế là do sự hội tụ của ý Đảng, lòng dân. Chính sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư toàn tỉnh tăng khá; an sinh xã hội được bảo đảm.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 620 doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, có 219 doanh nghiệp sau thời gian đăng ký tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Vĩnh Phúc đã bước vào trạng thái bình thường mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trong cả nước.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: Quyết tâm giữ thành quả chống dịch và để chủ động, quyết liệt giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra 8,5-9,0% năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng 3 kịch bản điều hành với giả định về các tình huống dịch bệnh từ nay cuối năm. Trong đó, xác định, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không mất cảnh giác với dịch bệnh.
Cụ thể, kịch bản 1 (kịch bản thuận lợi) với dự kiến Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam trong quý 3/2021 và Vĩnh Phúc kiểm soát tốt dịch bệnh như hiện nay; Tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm đạt 9,5-10% (vượt mục tiêu đặt ra). Trong đó, tăng trưởng của ngành nông nghiệp khoảng 4,5-5%, dịch vụ khoảng 4-4,5% và công nghiệp ‑ xây dựng khoảng 13-14%.
Kịch bản thứ hai (kịch bản chưa thuận lợi), với dự kiến Covid-19 cơ bản được Việt Nam khống chế trong quý 4/2021 và Vĩnh Phúc kiểm soát tốt được dịch bệnh như hiện nay; Tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm đạt khoảng 7,0-7,5% (thấp hơn mục tiêu đặt ra). Trong đó, ngành nông nghiệp tăng khoảng 4,5-5%, ngành công nghiệp ‑ xây dựng tăng khoảng 11-12%, ngành dịch vụ tăng khoảng 1-3%.
Kịch bản thứ ba (kịch bản điều kiện xấu), với dự kiến Covid-19 ở Việt Nam chưa được kiểm soát trong quý 3, quý 4 và Vĩnh Phúc có 300-500 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng; Tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm 2021 chỉ 4-5%. Trong đó, nông nghiệp là 4-4,5%, công nghiệp - xây dựng là 7-7,5%, dịch vụ là 0%.
Từ ba kịch bản trên, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Bình Khương cho biết, kịch bản có thể xảy ra nhất đối với Vĩnh Phúc là tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 9,5-10%. Đây là con số phù hợp tình hình thực tế, có tính khả thi cao và có tính phấn đấu trong việc kiểm soát chặt dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế.
“Để đạt được kết quả kinh tế - xã hội ở mức cao nhất có thể, Vĩnh Phúc không lơ là với dịch bệnh, tiếp tục thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Hiện nay chính quyền các cấp, doanh nghiệp, người dân đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh và thích ứng dần với điều kiện bình thường mới. Do đó, tình hình sản xuất kinh doanh dự báo vẫn có khả năng tăng trưởng khá và cả năm 2021, Vĩnh Phúc có thể đạt, vượt mục tiêu 8,5-9,0% đề ra”, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Bình Khương nhận định.
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, trong đó, rà soát, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời làm rõ các điểm nghẽn, từ đó tháo gỡ, khơi thông nguồn lực, thực hiện tốt các khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đợt dịch thứ 4 này vẫn đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Ngay vào lúc này, khi dịch đã lắng dịu ở 2 điểm nóng Bắc Ninh và Bắc Giang, tại các tỉnh phía Nam, dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng ở TP. Hồ Chí Minh và lan ra các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai với số ca dương tính đang tăng lên. Điều này đặt ra thách thức duy trì kinh tế của cả nước nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng trong bối cảnh dịch bệnh.
Chính vào lúc này những kinh nghiệm phòng chống dịch thành công, những bài học trong việc đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc lại càng quý giá, cần phát huy hơn bao giờ hết. Làm gì để vừa chống dịch, vừa duy trì kinh tế, tiến tới phục hồi nền kinh tế sau dịch, là một thách thức lớn, đồng thời là phép thử quan trọng đối với năng lực ứng phó của Vĩnh Phúc.
Ngày 9/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã chủ trì cuộc họp để bàn các giải pháp đưa đón, kiểm soát chặt công dân Vĩnh Phúc từ vùng dịch về Vĩnh Phúc.
Theo đó, từ ngày 6/7 đến nay, trên địa bàn huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) ghi nhận 7 ca mắc Covid-19 mới. Tất cả các ca bệnh đều từ TP. Hồ Chí Minh về, được phát hiện, điều tra dịch tễ và đưa đi cách ly, điều trị ngay nên khả năng lây ra cộng đồng rất thấp.
Tuy nhiên, với khoảng 6.000 lao động của huyện đang làm việc tại các tỉnh phía Nam (TP. Hồ Chí Minh có hơn 3.000 người), rất có thể trong thời gian tới, số người về địa phương sẽ tiếp tục tăng. Trước tình hình này, tỉnh Vĩnh Phúc lên phương án để chủ động bố trí phương tiện, nhân lực đón và đưa công dân từ vùng dịch về thẳng khu cách ly y tế tập trung của địa phương.
Thông tin của Sở Y tế Vĩnh Phúc, tính từ ngày 22/6 đến chiều 8/7, các địa phương đã rà soát, lập danh sách 1.207 công dân về từ các vùng dịch (trong đó, TP. Hồ Chí Minh có 542 người). Toàn bộ công dân này đều được lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng hình thức cách ly tập trung mức cao nhất - 21 ngày (theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, cách ly tập trung 7 ngày).
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh: “Vĩnh Phúc sẵn sàng đón công dân về địa phương, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân không nên di chuyển về quê, tránh lây lan dịch bệnh cho bản thân, gia đình. Trong trường hợp thực sự cần thiết, khi về địa phương phải chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch của tỉnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Trước mắt, tập trung rà soát kỹ danh sách số công dân đang làm việc trong các tỉnh phía Nam; nắm chắc số công dân sẽ di chuyển về địa phương, có biện pháp quản lý ngay khi công dân về tới sân bay Nội Bài.
Đồng thời, phát huy vai trò của chính quyền địa phương, nhất là Tổ Covid-19 cộng đồng trong công tác tuyên truyền; thông báo biện pháp xử lý nếu cố tình bao che người thân từ vùng dịch về đến từng hộ gia đình; phát hiện các trường hợp từ vùng dịch về địa phương và đưa đi cách ly ngay, không để tiếp xúc với gia đình.
“Chậm nhất đến 16 giờ hằng ngày, các huyện, thành phố phải báo cáo danh sách, tình hình phòng, chống dịch bệnh cho Ban chỉ đạo tỉnh và Sở Y tế. Công an tỉnh nghiên cứu đề xuất việc lập lại và kích hoạt các chốt kiểm soát dịch bệnh trọng yếu trên địa bàn tỉnh...
Nếu để xảy ra trường hợp xấu do công dân từ vùng dịch về nhưng không có trong danh sách quản lý, chính quyền địa phương không biết, người đứng đầu sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước cấp trên”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được coi là phép thử đối với năng lực quản lý, điều hành và sự quyết liệt của từng địa phương; không chỉ trong quá trình chống dịch, mà còn trong cả quá trình hồi phục sau dịch. Tỉnh Vĩnh Phúc bên cạnh giải pháp quyết liệt trong phòng chống dịch; duy trì, phục hồi, tăng trưởng trong phát triển kinh tế, tỉnh đang tập trung triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 3 năm 2021 (từ ngày 2-20/7).
Ở đợt tiêm này, 15.000 liều vắc xin Astra Zeneca sẽ được tỉnh phân bổ cho các huyện, thành phố để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ (người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia chống dịch; cán bộ ngày y tế tình nguyện tham gia phòng, chống dịch; đại biểu HĐND các cấp; giáo viên liên quan đến hội đồng thi; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính phải tiếp xúc với nhiều người…) và đối tượng nguy cơ cao là công nhân các khu công nghiệp. Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 vừa an toàn tiêm chủng.
Hoan Nguyễn