Mở rộng đối tượng cho vay

Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn vừa ban hành có cơ chế mở hơn so với các quy định trước đây.

Ngoài cho khách hàng (chủ sử dụng lao động) vay vốn trả lương ngừng việc, chương trình còn cho vay vốn trả lương cho người lao động khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do đó, khi triển khai Nghị quyết số 68, đối tượng khách hàng sẽ được mở rộng hơn nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hàng chục triệu người lao động đã được hỗ trợ về BHXH, BHTN
Hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hàng chục triệu người lao động đã được hỗ trợ về BHXH, BHTN.

Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Duy Khoa cho biết: “Vừa qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ tín dụng trong toàn chi nhánh về triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 68. Đồng thời, ban hành văn bản tóm tắt quy trình, thủ tục gửi các doanh nghiệp nhằm thông tin đầy đủ, khái quát nhất chủ trương chính sách. Qua đó, các đơn vị chủ động nắm bắt được điều kiện vay vốn, mức cho vay, lãi suất, thời hạn… để làm hồ sơ vay vốn nếu có nhu cầu”.

Ngoài các loại giấy tờ, thủ tục liên quan, điều kiện đối với khách hàng vay vốn trả lương ngừng việc là phải có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc (từ 15 ngày liên tục trở lên); không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tại thời điểm đề nghị vay vốn).

Đối với khách hàng vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh phải có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; có bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19; có thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động...

Khách hàng được vay vốn 1 lần hoặc nhiều lần để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất với thời gian tối đa 3 tháng/người lao động (theo mức lương tối thiểu vùng). Lãi suất cho vay của chương trình là 0%, thời hạn dưới 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên.

Qua công tác rà soát, thẩm định của Ngân hàng CSXH tỉnh cho thấy, nhiều hồ sơ đủ điều kiện vay vốn, dự kiến sẽ được giải ngân trong tháng 8/2021. Phần lớn khách hàng là các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, giáo dục...

Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay

Mặc dù rất nỗ lực tiếp cận, tuyên truyền chính sách tín dụng đến các doanh nghiệp, nhưng số lượng khách hàng được giải ngân vay vốn từ chương trình không nhiều. Thực tế, trong năm 2020, toàn tỉnh chỉ có 5 doanh nghiệp, cơ sở được Ngân hàng CSXH giải ngân vốn vay trả lương ngừng việc cho người lao động.

Một trong những nguyên nhân khiến việc giải ngân đạt thấp là do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, quy định người lao động phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên là rất khó đối với nhiều đơn vị. Bởi trên thực tế, để đảm bảo thu nhập cho người lao động, không ít doanh nghiệp phải thực hiện chế độ nghỉ luân phiên (đi làm một tuần, nghỉ 1 tuần) đối với từng bộ phận công nhân.

Do đó, khi đối chiếu quy định, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện được vay vốn, dù thực tế người lao động ngừng việc hơn 15 ngày, nhưng không liên tục. Mặt khác, qua thẩm định cho thấy, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành… chỉ thực hiện ký hợp đồng thời vụ đối với người lao động nên không có cơ sở để giải ngân khoản vay này.

Năm 2021, dù Nghị quyết số 68 có cơ chế mở hơn, nhưng theo quy định, để được giải ngân, khách hàng vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh phải có bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19; có thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động… Những điều kiện này được cho là khó thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với nhiều loại hình doanh nghiệp, ngành thuế chỉ thực hiện xác nhận thu nhập 3 năm/lần, trong khi quy định yêu cầu khách hàng phải có thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Do đó, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng quan tâm, có giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp, tổ chức hoàn thiện đầy đủ các loại giấy tờ liên quan để được vay vốn chi trả lương kịp thời cho người lao động khi ngừng việc hoặc mở cửa phục hồi sản xuất, kinh doanh".

Bà Khổng Thị Hường, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Vận tải ô tô Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp đang điều hành 16 xe buýt với tổng số 57 lao động. Do dịch Covid-19, từ ngày 3/5 - 17/6, đơn vị phải cho người lao động nghỉ việc, 100% xe buýt tạm dừng hoạt động.

Đến nay, 75% đầu xe của đơn vị đã hoạt động trở lại, nhưng doanh thu vẫn giảm sâu (60-70%) do người dân e ngại sử dụng phương tiện công cộng. Vì không có nguồn thu nên đơn vị mới chỉ thanh toán tiền lương cho người lao động đến hết tháng 4/2021.

Công ty đang cố gắng hoàn thiện thủ tục hồ sơ vay vốn để trả lương cho công nhân nhưng lại gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn cơ quan thuế, Ngân hàng CSXH tỉnh quan tâm, từng bước tháo gỡ vướng mắc để công ty sớm được giải ngân vốn vay trả lương cho người lao động".

Có thể thấy, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiêp, người lao động là rất thiết thực, kịp thời. Tuy nhiên, để triển khai được chương trình cần sự quan tâm và vào cuộc của các cấp, các ngành, đơn vị chức năng.

Mong rằng, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 sớm đi vào cuộc sống. Hiệu quả của chương trình sẽ góp phần ổn định đời sống người lao động và từng bước phục hồi nền kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Yên Châu