Thu hút vốn FDI của Vĩnh Phúc vượt 50% kế hoạch
Hiện nay, Vĩnh Phúc có khoảng 15.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; trong đó, khoảng 14.600 doanh nghiệp là doanh nghiệp trong nước đang đầu tư và sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Với những nỗ lực rất lớn, khu vực doanh nghiệp đã đóng góp vào sự phát triển và tăng trưởng của Vĩnh Phúc trong thời gian qua.
Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, trong 11 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 1.353 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 13.822 tỷ đồng và 10.166 lao động. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 0,81% song vốn đăng ký tăng 34,37% và số lao động tăng 15,55%.
Bên cạnh đó, tính đến tháng 11/2024, Vĩnh Phúc đã cấp mới cho 32 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 190 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 42 dự án với số vốn tăng thêm 400 triệu USD. Theo đó, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm của các dự án FDI là 590 triệu USD, vượt gần 50% kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, những dự án FDI thu hút được trong năm 2024 đều là các dự án công nghệ, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH BH Flex tại KCN Khai Quang, tăng tổng vốn đầu tư lên 75 triệu USD; Dự án sản xuất chip bán dẫn của Công ty cổ phần Signetics, đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cho biết, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh thời gian tới là ưu tiên các dự án công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch; công nghiệp máy tính, điện tử, điện dân dụng, công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô xe máy.
Để đạt được mục tiêu này, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ, phát triển Chính phủ điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các thủ tục đầu tư. Đồng thời, triển khai các đề án hỗ trợ kết nối và hợp tác giữa doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tháo gỡ khó khăn, tạo động lực để doanh nghiệp bứt phá
Dù các doanh nghiệp đã có sự khởi sắc vào những tháng cuối năm song các chuyên gia tin rằng, những khó khăn vẫn đang chờ doanh nghiệp phía trước.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 như căng thăng địa chính trị diễn biến khó lượng, chính sách Trump thời kỳ 2.0 và những rủi ro đe dọa gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu… kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Trong dòng chảy này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải có các kịch bản ứng phó với những biến động có thể xảy ra để nâng cao khả năng chống chịu với những bất định từ bên ngoài.
Trước những khó khăn, thách thức năm 2024 do diễn biến tình hình, Vĩnh Phúc cũng chịu những ảnh hưởng. Chính vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.
Với vai trò là đầu mối giữa chính quyền với doanh nghiệp và nhà đầu tư, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Trung tâm sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án và báo cáo UBND tỉnh về các vướng mắc mà nhà đầu tư gặp phải để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
Mới đây, tại Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 11, khóa IV tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục ban hành chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc” do UBND tỉnh phối hợp với Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông thêm một lần nữa nhấn mạnh, doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội; thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh; nhà đầu tư vào tỉnh là công dân của tỉnh nên các cấp ủy Đảng, chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẵn sàng về mặt bằng sạch, điện, nước, viễn thông, nguồn nhân lực và cung cấp thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư…
Về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ tịch UBDN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8 - 9% so với năm 2024. Đây được xem là mục tiêu cao nhất kế hoạch 5 năm 2021-2025 mà Vĩnh Phúc đã đề ra; đồng thời cũng là tiền đề cho xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030.
Với mục tiêu này, Vĩnh Phúc sẽ triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm khơi thông các nguồn lực nhất là các động lực mới để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các sản phẩm chủ lực, có thị trường lớn, tiềm năng. Vĩnh Phúc hy vọng Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách phục hồi kinh tế (gia hạn chính sách cũ và bổ sung một số chính sách mới, đặc biệt các chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa với chu kỳ dài hơn (từ 3-5 năm để đảm bảo vòng đời của sản phẩm) như chính sách đối với ngành ô tô, xe máy, sản xuất sản phẩm điện tử hoàn thiện để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ xem xét giao các Bộ, ngành hướng dẫn, có cơ chế để các địa phương giao đất cho các dự án không thu tiền sử dụng đất hoặc miễn tiền sử dụng đất trong vài năm có diện tích lớn như khu công nghiệp theo đợt các phần đã giải phóng mặt bằng để đảm bảo triển khai dự án.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh, thủ tục hành chính và giấy tờ công dân để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Thiên Trường