Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đại diện VIVA, dịch Covid-19 ảnh hưởng chung đến tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, cả lắp ráp lẫn nhập khẩu chứ không riêng hình thức nào. Vì thế, việc ưu đãi nên dành cho cả hai: Xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe CBU.

Nếu được hỗ trợ lệ phí trước bạ, các nhà sản xuất ôtô CBU được hưởng lợi có thể kể đến các các mẫu xe như Toyota với Lexus, Mitsubishi với Xpander (bản nâng cấp) hay các mẫu SUV của Mercedes, BMW của Thaco...

"Chúng tôi được biết rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lên kế hoạch giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ hai đối với riêng ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ các công ty ôtô trong đại dịch Covid-19. Chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc," phía VIVA nêu trong đơn.

Được biết, thư kiến nghị được cùng ký tên bởi 11 công ty nhập khẩu ôtô chính hãng tại Việt Nam bao gồm: Audi, Porsche, Aston Martin, Jeep, Volkswagen, Volvo, Jeep, Jaguar & Land Rover, Ferrari, Subaru, Maserati.

Trước đó, Chính phủ đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ xe CKD (Nghị định 70) để kích cầu thị trường là vào cuối tháng 6/2020 và kéo dài đến hết tháng 12/2020.

Do tình hình Covid-19 tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh và sản xuất, vào tháng 5/2021, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) từng đề xuất tái áp dụng chính sách hỗ trợ tương tự Nghị định 70/2020/NĐ-CP nhưng không được Bộ Tài chính chấp thuận. Sau đó vào quý III, Thaco và TC Motor tiếp tục gửi kiến nghị về quy định hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ.

Từ đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động và báo cáo để xem xét triển khai thực hiện. Đến nay, các doanh nghiệp ô tô vẫn đang chờ đợi quy định hỗ trợ mới được thông qua và ban hành để góp phần kích cầu, hồi phục tình hình kinh doanh sau nhiều tháng liền thị trường gần như tê liệt vì các quy định giãn cách xã hội.

Hưng Phúc