KRX sẽ giúp tăng thanh khoản
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm tích cực. Bất động sản đã dần thoát đáy, lãi suất tiết kiệm tiếp tục duy trì mức thấp, tín hiệu xuất khẩu đã hồi phục trong quý I/2024, hàng hóa tồn kho đang giảm dần.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang tăng tốt, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh khi Chính phủ đặt quyết tâm giải ngân nhanh vốn đầu tư công chắc chắn dòng tiền sẽ được lưu thông tích cực….
Đặc biệt, niềm tin của nhà đầu tư về thị trường trái phiếu đang được củng cố. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phát hành thành công trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp cũng đã cơ cấu lại nợ trái phiếu và bắt đầu có sản phẩm tung ra thị trường trong năm 2024.
Ông Tuấn nhận định, dự kiến năm 2024 tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp bình quân 18- 20%, do đó chỉ số P/E (chỉ số giá đầu tư trên lợi nhuận kiếm được) của thị trường hiện tại quanh 11 lần được cho là khá hấp dẫn cho việc đầu tư vào cổ phiếu.
Riêng về thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030 theo đề án của Chính phủ.
Việc đưa Hệ thống giao dịch KRX vào vận hành sẽ gia tăng thêm nhiều sản phẩm và tăng tính thanh khoản cho thị trường. Kế hoạch đến tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách nhóm thị trường mới nổi để sang năm 2025, chính thức được nâng hạng lên nhóm thị trường cận biên.
Khi đó, dòng vốn của các quỹ đầu tư ngoại tự động gia tăng từ đó kích thích các dòng vốn đang bị "nén" của nhà đầu tư khác.
Thực tế, khối ngoại gần đây đã phát tín hiệu tích cực khi mua ròng sau thời gian dài bán ròng liên tục. Những nhà đầu tư "nội" đang còn phân vân chắc chắn sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.
Hiện tại, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng là bệ đỡ khá tốt cho VN-Index. Dòng tiền của các tổ chức đã dồi dào hơn nên thanh khoản thị trường quý I/2024 sẽ tăng mạnh. Từ đó, kích thích dòng tiền lớn trở lại, nhất là dòng tiền tiết kiệm của nhà đầu tư cá nhân sẽ dịch chuyển vào thị trường nhiều hơn.
Trên những cơ sở đó, ông Tuấn dự báo, VN-Index sẽ khó rớt khỏi ngưỡng 1.100 điểm và có thể chạy lên mức 1.500 điểm nếu thị trường có thêm nhiều tín hiệu tích cực.
Còn ông Chen Chia Ken (Jacky) - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho hay, trong năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ là kênh chiếm ưu thế. Các kênh đầu tư khác bao gồm vàng, bất động sản, trái phiếu và gửi tiết kiệm dự kiến khó ghi nhận được các mức lợi suất hấp dẫn hơn chứng khoán.
Đẩy mạnh FDI, chứng khoán hưởng lợi
Thạc sỹ Nguyễn Phạm Hữu Hậu – Phó chủ tịch Hanita Master phân tích, FDI (Foreign Direct Investment) là hình thức đầu tư trực tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là hình thức đầu tư không thể thiếu trong nền kinh tế của các quốc gia hiện nay. Khi dòng vốn FDI đổ vào nền kinh tế, thị trường chứng khoán sẽ có những chuyển biến tích cực bởi 3 yếu tố sau:
Thứ nhất, “kích thích” doanh nghiệp tăng trưởng vượt trội, dòng vốn FDI bổ sung vào thị trường Việt Nam sẽ giúp một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có khả năng tăng trưởng tốt nhờ vào việc gia tăng được nguồn vốn. Việc học hỏi công nghệ từ nước ngoài sẽ hỗ trợ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Song song đó, những doanh nghiệp này tăng trưởng tốt sẽ tạo cơ hội rất lớn, giúp các nhà đầu tư chứng khoán gia tăng lợi nhuận như kỳ vọng cho các khoản đầu tư. Vì vậy, thị trường chứng khoán nay năm hứa hẹn sẽ “nhộn nhịp” hơn so với những năm trước đó.
Thứ hai, thu hút nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Khi các quỹ đầu tư nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam là một cơ hội rất lớn nhằm phát triển bền vững cả nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Thứ ba, kỳ vọng, các doanh nghiệp ngành kinh doanh bất động sản nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng (trước, trong và sau niêm yết) trên sàn chứng khoán được hưởng lợi.
Ông Hậu cho rằng, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công, đồng nghĩa với việc phát triển các công trình giao thông công cộng, tạo sự thông thoáng cho quá trình kết nối các vùng kinh tế, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, thích hợp phát triển bền vững các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên cả nước. Đây là điều kiện tiên quyết nhắm các tập đoàn đa quốc gia lựa chọn Việt Nam là nơi đặt trụ sở, kinh doanh và sản xuất lâu dài…
Tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong 5 năm trở lại đây luôn có những diễn biến phức tạp về cán cân thương mại và tình hình địa chính trị phức tạp của một số quốc gia ảnh hưởng sâu sắc tiến trình phục hồi kinh tế thế giới.
Riêng tại Việt Nam, một số ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian quan như: Du lịch, nông - lâm - thủy sản, ngành thuộc da xuất khẩu… Vì thế, một số nhóm ngành có khả năng “dẫn dắt” thị trường chứng khoán trong năm 2024 bao gồm: Bất động sản, ngân hàng, công nghệ và thương mại, dịch vụ.
Trúc Mai