Trong phiên giao dịch đầu tuần 25/04, VN-Index giảm tới 5% giá trị vốn hóa, đây là phiên giảm mạnh nhất của thị trường từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ sau phiên 29/01/2021 với mức giảm 6,7% giá trị vốn hóa. Kết phiên giao dịch ngày 25/4, VN-Index giảm 68,31 điểm (-4,95%) xuống 1.310,92 điểm.
Độ rộng là tiêu cực với 443 mã giảm (171 mã giảm sàn), 21 mã tham chiếu, 37 mã tăng (4 mã tăng trần). HNX-Index giảm 21,61 điểm (-6,02%) xuống 337,51 điểm. Độ rộng là tiêu cực với 193 mã giảm (53 mã giảm sàn), 33 mã tham chiếu, 53 mã tăng (6 mã tăng trần).
Thanh khoản khớp lệnh giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên một chút với giá trị giao dịch đạt 23.381 tỷ đồng trên hai sàn tương ứng với khối lượng giao dịch là 850 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu trụ cột thuộc VN30 (-4,95%) bị bán mạnh với cả 30 cổ phiếu đều giảm, trong đó có 16 mã giảm sàn như HPG (-7%), VPB (-6,9%), MWG (-7%), TCB (-6,9%), FPT (-6,9%)... đã tạo ra áp lực điều chỉnh mạnh lên thị trường.
Những nhóm ngành cổ phiếu mang tính thị trường cao như ngân hàng, bất động sản, thép... đều bị bán mạnh và khá nhiều mã trong các nhóm trên đã nằm sàn. Tích cực nhất trong phiên 25/04 có lẽ là nhóm cổ phiếu thuộc họ FLC với nhiều mã tăng giá như: FLC (+2,9%), ROS (+1,8%), AMD (+2,4%), KLF (+5,4%), HAI (+0,3%), ART (+4,1%).
Khối ngoại mua ròng trên HOSE với giá trị ròng 214,66 tỷ đồng tương ứng với khối lượng ròng 3,9 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đều thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 từ 8 đến 16 điểm cho thấy các nhà giao dịch vẫn nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục giảm.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc độ kỹ thuật, chỉ báo RSI (14) hiện đã về mức 20 điểm, đây là mức quá bán (<30) cao hơn cả ba lần quá bán trước đó lần lượt là tháng 07/2021, tháng 01/2021 và tháng 07/2020. Mức này chỉ thấp hơn mức quá bán của đợt tháng 03/2020 khi RSSI (14) có lúc về chỉ 7.
Xét trên góc độ sóng elliott thì VN-Index đã chuyển từ sóng tăng 5 sang sóng điều chỉnh a sau khi mất mốc hỗ trợ 1.350 điểm (fibonacci retracement 127,2% sóng điều chỉnh 4). Target theo lý thuyết của sóng điều chỉnh a là quanh ngưỡng 1.200 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng tăng 5).
“Nếu xét trên khía cạnh định giá thì P/E của VN-Index sau phiên 25/04 là khoảng 15,5 lần, xấp xỉ mức trung bình 05 năm. Trong khi đó, P/E của VN30 chỉ có 14,8 lần, thấp hơn mức trung bình 05 năm. Với mức định giá như trên, chúng tôi cho rằng khả năng thị trường giảm mạnh là khó có thể xảy ra và trong phiên giao dịch hôm nay 26/04, VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm được giữ vững”, chuyên gia của SHS nhận định.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), về kỹ thuật, đồ thị ngày 25/4 VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài với giá đóng cửa nằm dưới dải ‘Bollinger band’ dưới, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế và đà giảm chưa có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, một số chỉ báo kỹ thuật cho thấy VN-Index đang ở vùng quá bán và có thể đảo chiều bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, việc thanh khoản ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên cho thấy độ tin cậy của cây nến này là chưa cao.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 26/04, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.300 – 1.310 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.280 – 1.290 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Trong khi đó, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật khi chỉ số VN-Index giảm về mức hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm và vùng đáy cuối tháng 08/2021. Đồng thời, rủi ro thị trường vẫn ở mức cao và thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn.
C.H (t/h)