Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, VN-Index hôm nay, ngày 12/4 vẫn đang vận động trong nền tích lũy và nền này đã đủ để thị trường có thể hình thành nhịp tăng tiếp theo và hướng tới vượt cản 1.300 điểm nhưng ngưỡng cản này là cản mạnh nên quá trình đi ngang, rung lắc và rũ bỏ vẫn có thể tiếp tục diễn ra.

Ảnh minh họa, nguồn internet.
VN-Index hôm nay: Rủi ro ngắn hạn tăng, các nhà đầu tư hạn chế mua mới cổ phiếu. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trong trường hợp kém tích cực, nếu VN-Index thủng hỗ trợ 1.250 điểm thì rủi ro ngắn hạn sẽ tăng lên bởi VN-Index có nguy cơ bước vào nhịp giảm ngắn hạn với hỗ trợ sâu hơn quanh 1.150 điểm.

“Nếu VN-Index tiếp tục test thành công ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm, nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân trong các phiên tiếp theo nếu thị trường có tín hiệu tăng điểm trở lại, tuy nhiên, trong trường hợp tiêu cực, VN-Index không giữ được mốc 1.250 điểm trong các phiên tới thì rủi ro thị trường bước vào nhịp giảm ngắn hạn tăng lên, trong trường hợp đó nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi vận động điều chỉnh”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) phân tích: Thị trường có thể quay trở lại đà giảm trong phiên hôm nay 12/4 và chỉ số VN-Index vẫn có thể sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ 1.230 – 1.235 điểm trong những phiên giao dịch tới. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng cho nên các nhà đầu tư hạn chế mua mới trong giai đoạn này và chưa có dấu hiệu hình thành đáy rõ ràng trong ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra bi quan với diễn biến thị trường.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) phân tích, thị trường ghi nhận một phiên giao dịch cân bằng với thanh khoản thấp. Phe bán và phe mua dù giằng co trong phiên nhưng diễn biến về cuối phiên cho thấy lực cầu đang dần gia tăng sau mỗi lần kiểm định vùng hỗ trợ, đặc biệt là về cuối phiên khi tâm lý nhà đầu tư đang dần được cải thiện. 

Theo ASEANSC, thị trường sẽ sớm cân bằng quanh vùng 1.240 và tiếp tục giao động trong biên độ 1.240-1.270 điểm. Nhà đầu tư có thể mở mua thăm dò, đầu tư ngắn hạn tỷ trọng nhỏ khi thị trường “kiểm định” trở lại.

Ngày 11/4, giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 18.256,96 tỷ đồng được giao dịch, tăng nhẹ so với phiên trước, dưới mức trung bình.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh, với đa số có xu hướng tích lũy trong biên độ hẹp kéo dài như LPB (-2,40%), NVB (-1,90%), TCB (-1,20%)... ngoài BID (+1,92%), SGB (+1,37%), ABB (+1,23%)...

X.Hải (t/h)