Chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) nhận định, thị trường vận động khó khăn hơn sau từng phiên, động lượng thị trường giảm dần khi lực cầu chưa thực sự mạnh mẽ. Nỗ lực hồi phục trong phiên 2/4 là tương đối tích cực nhưng cũng chưa đủ để khẳng định thị trường đã xác nhận vùng đáy. ASEANSC cho rằng, nếu đây là vùng nền giá mới, thị trường cần các phiên giảm biên độ giao động và tích lũy chặt chẽ hơn trước khi bước vào sóng tăng mới.

Kết phiên giao dịch ngày 2/4, VN-Index tăng 5,52 điểm (+0,43%) lên mức 1.287,04 điểm
Kết phiên giao dịch ngày 2/4, VN-Index tăng 5,52 điểm (+0,43%) lên mức 1.287,04 điểm

Chuyên gia của ASEANSC đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư: “Thị trường đang tăng không bền vững, do đó, nhà đầu tư cần thận trọng, ngừng mở mua mới và canh chốt lời trong kịch bản thị trường đi lên".

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index hướng về mức kháng cự ngắn hạn 1.294 điểm trong phiên hôm nay 3/4. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết thúc. Tuy nhiên, đà tăng sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn hưởng lợi chính vào đà tăng của giá dầu, các nhóm cổ phiếu còn lại có thể sẽ gặp áp lực điều chỉnh gia tăng khi chỉ số VN-Index tiệm cận mức kháng cự 1.294 điểm. 

Cũng theo chuyên gia của YSVN thì xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu và tận dụng nhịp điều chỉnh để cơ cấu lại danh mục, nhà đầu tư có thể giảm bớt đòn bẩy ở các nhịp tăng điểm và chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp.

Ảnh internet.
VN-Index hôm nay: Thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư thận trọng khi giao dịch mua-bán cổ phiếu. Ảnh internet.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) phân tích: Với trạng thái hiện tại, VN-Index hoàn toàn có thể bùng nổ hướng tới và vượt 1.300 điểm nhưng cũng có thể sẽ tiếp tục kéo dài quá trình tích lũy và tiếp tục chặt chẽ thêm, vận động này nếu xảy ra sẽ gia tăng độ tin cậy cho quá trình vượt cản.

Về góc nhìn trung hạn, VN-Index đang dần tích lũy nền tin cậy để sẵn sàng cho nhịp bùng nổ tiếp theo hình thành uptrend, tuy nhiên, về trung hạn, VN-Index dù tích cực vẫn cần thời gian tích lũy thêm quanh cản mạnh 1.300 điểm. Trong kịch bản tiêu cực hơn, thị trường sẽ có điều chỉnh và trở lại vận động tích lũy, chúng tôi cho kênh tích lũy phù hợp sẽ là 1.250 điểm - 1.300 điểm.

Theo chuyên gia của SHS: “VN-Index tiếp tục vận động chặt chẽ trong nền tích lũy đang hình thành trước cản mạnh 1.300, nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục có thể giải ngân trong các phiên tiêp theo nếu thị trường có tín hiệu tăng điểm bùng nổ vượt cản. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang vận động trong nửa trên của kênh tích lũy và đã trải qua nhiều nhịp rung lắc, tuy nhiên, VN-Index sớm tiệm cận cản mạnh 1.300 điểm và tiếp tục quá trình tích lũy, nhà đầu tư trung hạn nếu danh mục đã ổn định, trong trường hợp cần giải ngân thêm vẫn có thể tiến hành đầu tư với kỳ vọng VN-Index vượt cản 1.300 điểm để hình thành uptrend”.

Ngày 2/4, giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 30.248,35 tỷ đồng, tăng 18,75%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tạo áp lực điều chỉnh lên thị trường, kết thúc phiên đa số vẫn giảm điểm nhẹ, biến động trong biên độ hẹp với thanh khoản dưới mức trung bình, ngoại trừ STB (-3,82%) thanh khoản khá đột biến, và các mã tăng giá nhẹ như MSB (+1,39%), TPB (+0,53%)...

Cổ phiếu dầu khí lại có diễn biến rất tích cực, vượt trội so với thị trường chung khi nhiều mã tăng giá mạnh, vượt đỉnh với thanh khoản đột biến. Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến nổi bật với GVR (+6,98%), DPR (+3,53%), KBC (+3,20%), IDC (+2,56%)... ngoài SIP (-1,31%), IDV (-1,07%), DTD (-0,67%)....

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến giao dịch tích cực, thanh khoản cải thiện tốt vượt mức trung bình, nhiều mã tăng giá tốt như PTL (+6,95%), VRC (+6,61%), HPX (+3,56%), NTL (+3,09%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh, đa số thanh khoản dưới mức trung bình NDN (-3,15%), CRE (-2,02%), AGG (-0,84%)...

Hải Dương (t/h)