Ngày 6/7, phát biểu trong cuộc họp của Viện Korber Foundation tại Đức, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chia sẻ về kế hoạch mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên đồng thời nhấn mạnh, quan hệ hợp tác tăng cường với Triều Tiên là nền tảng quan trọng để thiết lập hòa bình cho khu vực này.

Ông Moon còn cho biết đã có một "lộ trình kinh tế mới cho bán đảo Triều Tiên". Kế hoạch này sẽ trở thành thực tế nếu vấn đề hạt nhân của Triều Tiên được giải quyết.

Korea Herald cho hay, kế hoạch của ông Moon sẽ là đưa Hàn Quốc và Triều Tiên kết nối liên lạc qua đường ranh giới quân sự. Đây sẽ là "vành đai kinh tế" tạo lập một cộng đồng kinh tế mà ở đó người dân Hàn – Triều cùng được hưởng sự thịnh vượng.

"Hoạt động đường sắt liên Triều sẽ được tái kết nối. Một chuyến tàu khởi hành từ Busan và Mokpo sẽ chạy qua Bình Nhưỡng và Bắc Kinh và hướng tới Nga cũng như châu Âu. Các dự án hợp tác ở khu vực Đông Bắc Á như dự án đường ống dẫn khí đốt sẽ kết nối hai miền Triều Tiên với Nga cũng sẽ được thực hiện", Tổng thống Moon nói.

Vòi khí đốt Nga sẽ nối hai bờ sông Hàn - Hình 1

Đường ống dẫn khí đốt sẽ kết nối hai miền Triều Tiên với Nga sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Năm 2008, Moscow và Seoul đã đạt được thỏa thuận sơ bộ vận chuyển khí đốt từ Nga cũng như tiến hành đàm phán về việc vận chuyển khí đốt qua Triều Tiên từ năm 2011.

Cụ thể, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Hàn Quốc dài trên 1.100 km và ít nhất 700 km sẽ đi qua lãnh thổ Triều Tiên. Theo tính toán của Gazprom, đường ống này có khả năng vận chuyển ít nhất 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Dự án này được kỳ vọng là có lợi cho các bên khi mà Nga có cơ hội tiếp cận một thị trường xuất khẩu dầu mới, Triều Tiên sẽ được hưởng lợi với vai trò là nước trung chuyển, còn Hàn Quốc sẽ nhận được nguồn cung khí đốt ổn định và tiết kiệm chi phí hơn.

Ông Konstantin Simonov, Tổng giám đốc Qũy An ninh năng lượng quốc gia Nga cho biết, việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt sẽ là thương vụ có lợi cho Hàn Quốc thay vì việc quốc gia này đang phải nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nước ngoài.

Theo ông Simonov, dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt có thành công hay không còn tùy thuộc vào quan hệ Hàn – Triều. Tuy nhiên, khi ông Moon nắm quyền Tổng thống Hàn Quốc, dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga đang được hồi sinh.

Cho tới nay, tương lai cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt vẫn chưa được định đoạt nhưng Gazprom và Kogas đã ký kết một số thỏa thuận mua LNG của Nga từ dự án Sakhalin-2. Hiện tại, Sakhalin-2 đang cung cấp 1,5 triệu tấn LNG cho Hàn Quốc mỗi năm.

Vai trò chủ đạo của Moscow

Vấn đề then chốt trong kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt là việc Gazprom và Kogas vẫn chưa thể thỏa hiệp về việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm thi hành xây đường ống qua Triều Tiên và bên nào sẽ chịu rủi ro trong quá trình trung chuyển.

Giới phân tích nhận định, vấn đề then chốt nói trên sẽ sớm được giải quyết nếu như Nga giữ vai trò trung gian  trong việc đảm bảo nguồn khí đốt tới Hàn Quốc sẽ được thông suốt, ngay cả khi mối quan hệ Hàn - Triều có biến động.

Thời gian gần đây, mối quan hệ Nga - Triều đang ngày càng nồng ấm. các quan chức ngoại giao của Triều Tiên và Nga đã gặp nhau tại Thủ đô Moscow hôm 5/6 theo lời mời của Nga để cùng trao đổi tình hình trên bán đảo Triều Tiên và thảo luận các cách thức để tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước.

So với cùng kỳ năm 2016, trao đổi thương mại giữa Nga và Triều Tiên trong 2 tháng đầu năm 2017 đã tăng 73%, chủ yếu là do lượng than cung cấp từ Nga tăng. Ngoài việc tăng cường các lô hàng than đá, Nga còn có một số động thái khác nhằm mở rộng thương mại với Triều Tiên.

Giáo sư thỉnh giảng James Brown tại Đại học Temple, Tokyo, cho rằng hoạt động thương mại của Nga phù hợp với quan điểm của nước này với Triều Tiên. Ông nhận định:

"Nga không muốn cô lập Triều Tiên. Họ muốn Triều Tiên có thể tiếp tục tiến hành các hoạt động với phần còn lại của thế giới. Nga vẫn phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng cũng thông cảm hơn với nước này".

Trên thực tế, đường ống khí đốt của Nga qua Ukraine sang châu Âu vẫn thông suốt ngay cả khi mối quan hệ giữa Moscow và Kiev trở nên tồi tệ do những căng thẳng tại miền Đông Ukraine...

Với phương pháp tiếp cận hoàn toàn khác biệt, không cấm vận, không đe dọa tấn công... Nga đang từng bước giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên một cách hiệu quả.

Nếu dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tới Hàn Quốc thành công, thì không những căng thẳng Hàn - Triều được hạ nhiệt mà tầm ảnh hưởng và sức mạnh Nga tại vùng Viễn Đông cũng sẽ được gia tăng.

Hoàng Giang -Baodatviet