Vụ 15 giáo viên tố cáo Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ: Bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý giáo dục - Hình 1

(Trường Mầm non công lập Phú Mỹ - Nơi xảy ra vụ việc)

Trong đơn tố cáo của tập thể 11 giáo viên đang công tác và 4 giáo viên (đã nghỉ việc), cùng Ban Đại diện Phụ huynh gửi Báo Thương hiệu & Công luận, các giáo viên Trường MN công lập Phú Mỹ phản ánh: Trong năm học 2017-2018 vừa qua, nhà trường thu tiền phục vụ bán trú với mức 30 ngàn đồng/ngày/1 trẻ, trong đó chi 1 ngàn đồng để mua rau cho các cháu trong bữa ăn trưa (có hiển thị trong thực đơn hàng ngày). Tuy nhiên, trong tất cả các bữa ăn của năm học, không hề có món rau như trong thực đơn. Cũng trong năm học vừa qua, nhà trường thu mỗi trẻ 385 ngàn đồng để mua đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Tuy nhiên, trường chỉ cấp đồ dùng học tập là tập vở, còn đồ chơi rất ít, chỉ cấp cho có. Theo quy định, mỗi tháng, các cháu được cấp 8 hộp sữa học đường. Có những cháu nghỉ học nhưng không được uống sữa bù. Trong quá trình tổ chức ăn bán trú, nhà trường không thực hiện việc tiếp phẩm hàng ngày theo quy định, quản lý khâu bán trú lỏng lẻo, không công khai rõ ràng, có tháng số tiền thâm hụt đến vài chục triệu đồng. Cụ thể, cuối năm học vừa qua, hiệu trưởng thông báo trong cuộc họp là bị thâm hụt 150 triệu đồng tiền rau, trong khi phụ huynh vẫn đóng tiền ăn đầy đủ…

Tiếp đó, trưa ngày 09/10/2018, trong khi đoàn kiểm tra đang làm việc tại trường thì chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Hương là phụ huynh học sinh, trong lúc mang thuốc đến trường  cho con uống đã phát hiện trong bữa ăn của con, cơm có hạt màu xanh giống như được nấu từ gạo bị mốc, cá xốt cà chua nhưng hầu như chỉ có đầu cá, canh cải nấu với thịt nhưng toàn mỡ. Sau đó, nhiều phụ huynh đã kéo tới trường yêu cầu đoàn kiểm tra xác minh làm rõ vụ việc. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản.

Ngay sau sự việc trên, toàn bộ tổ cấp dưỡng do bà Bùi Thị Tâm, làm tổ trưởng đã tự ý nghỉ việc mà không cho biết nguyên nhân. Hậu quả là toàn bộ 272 cháu không có ai chăm sóc nấu ăn  hàng ngày. Buộc các cô giáo phải làm công việc vừa dạy dỗ, vừa phụ giúp với các sư cô của một ngôi chùa đứng ra tổ chức nấu ăn cho các cháu.

Vụ 15 giáo viên tố cáo Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ: Bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý giáo dục - Hình 2

Ngày 11/10/2018, phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận đã gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với một số phụ huynh và giáo viên Trường MN Phú Mỹ. Phụ huynh Nguyễn Ngọc Quỳnh Hương cho biết: “Nhiều lần con chị khóc không chịu đi học. Gặng hỏi thì bé cho biết là ăn cơm không ngon do thức ăn ở trường rất khó ăn. Để kiểm tra thực hư, buổi trưa 9-10, chị Quỳnh Hương cùng một số phụ huynh đã đến trường và chứng kiến sự việc trên. Phụ huynh xuống bếp ăn kiểm tra, thì tổ cấp dưỡng ngăn cản không cho kiểm tra. Sau đó, một số phụ huynh đã phát hiện bao gạo đã bị mốc xanh. Sau khi vụ việc bị phát hiện, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo cho xe ba gác bên ngoài vào chở gạo đi, mặc dù các phụ huynh không đồng ý”.

Vụ 15 giáo viên tố cáo Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ: Bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý giáo dục - Hình 3

Cô giáo Hoàng Thị Khuyên Hoa, giáo viên Trường Mầm non Phú Mỹ cho biết: “Từ tháng 8/2017, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh yêu cầu tất cả các trường mầm non công lập trong khẩu phần ăn hàng ngày của các cháu, phải có thêm món rau xào hoặc luộc, nhằm mục đích tạo thói quen ăn rau xanh cho trẻ, nâng cao dinh dưỡng… Nhưng từ đó đến nay, nhà trường chỉ tổ chức nấu ăn cho trẻ 02 lần là có món rau xanh (trong đó 01 lần khi đoàn thanh tra về làm việc và 01 lần cấp dưỡng lên hội giảng). Khi các cô giáo phản ánh thì bà hiệu trưởng cho biết là khoản tiền đó đã chi vào khoản khác nhưng không nói rõ là khoản gì. Hãy làm phép tính đơn giản, lấy số tiền 1000 đồng đó nhân với tổng số trẻ, rồi đem nhân với với tổng số ngày học trong năm thì số tiền này không hề nhỏ.

Phụ huynh Cao Ngọc Linh, bức xúc nói: “Cách đây hơn 3 tháng, các phụ huynh học sinh đã phản ánh với nhà trường vụ việc hơn 1 năm qua, trong bữa ăn của các cháu không có món rau, việc sữa bù không được uống, các cô giáo phải ký khống chứng từ… nhưng bà hiệu trưởng vẫn không giải quyết hay giải thích gì.

Có giáo Nguyễn Thị Hồng Thanh cho biết thêm: “Ngày 03/10/2018, chúng tôi cũng báo sự việc lên ban giám hiệu là gạo trong nhà bếp bị ôi, mốc, nấu cơm có màu đen, khẩu phần ăn của các cháu vẫn không có món rau xanh, các món ăn nấu không ngon, các cháu ăn rất khó chịu…nhưng cô hiệu trưởng không có động tĩnh gì”.

Phụ huynh Lê Thị Ngọc Trinh bức xúc nói: “Cuối tháng 8/2018, khi hỏi con trẻ hôm nay ăn món gì thì cháu trả lời trong bữa lỡ chỉ có một hũ bánh flan nhỏ, trong khi đó, thực đơn bữa lỡ phải gồm các món khác đầy đủ hơn mới đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu”.

Làm việc với BGH nhà trường, cô Nguyễn Thị Lợi, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cho biết: “Trường Mầm non Phú Mỹ có tổng số 475 học sinh, 17 lớp học với 31 cô giáo đứng lớp. Đến ngày 11/10/2018 chỉ có 272 cháu đi học, 203 cháu cha mẹ đã tạm xin nghỉ học.

Có thể khẳng định rằng, để xảy ra vụ việc Trường Mầm non Phú Mỹ kéo dài trong hơn một tháng nay, trách nhiệm trước hết thuộc về Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Phú Mỹ. Hơn 200 cháu cha mẹ tạm xin nghỉ học vì không yên tâm đưa con đến trường cũng đồng nghĩa với việc hơn 200 gia đình phụ huynh phải nghỉ làm để trông trẻ. Không khí trường học nặng nề, căng thẳng tác động không nhỏ đến việc chăm sóc dạy dỗ các trẻ hiện có mặt tại trường. Nỗi bức xúc chưa được giải quyết thỏa đáng, cũng như nỗi lo lắng, bất an từ phía phụ huynh, đã gây nên những hiệu ứng xã hội không tốt về môi trường giáo dục, nhất là đối với trẻ mầm non.

Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi: Vai trò quản lý giáo dục của ngành giáo dục thị xã Phú Mỹ để đâu? Chỉ đến khi mất đoàn kết nội bộ thì sự việc mới được phanh phui, ai là người giám sát thường xuyên bếp ăn của trẻ?

Công tác giám sát nguồn thực phẩm đưa vào trường học hằng ngày nếu bị buông lỏng xem nhẹ, và nếu chỉ trông chờ vào đạo đức của người kinh doanh và cung cấp thực phẩm, chắc chắn sẽ không thể đảm bảo an toàn.

Xuân Hồng