Doanh nghiệp sẳn sàng cung ứng
3.750 con heo tiêm thuốc an thần bị phát hiện tại lò giết mổ Xuyên Á (Ảnh: Lưu Bình)
Về công tác đảm bảo năng lực giết mổ thay thế cho cơ sở giết mổ Xuyên Á (khoảng 5.000 con/ngày), Sở Công thương cho biết, cơ sở giết mổ Anh Hoàng Thy tại Đồng Nai đã tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, chuyên cung cấp thịt heo cho hệ thống phân phối hiện đại, có khả năng tăng thêm 700 con/ngày, Công ty Vissan có thể tăng công suất giết mổ lên 1.300 con/ngày (tăng 200 - 300/con/heo), các cơ sở khác trên địa bàn có khả năng bổ sung 1.500 con/ngày.
Như vậy, tổng công suất tăng thêm từ các cơ sở giết mổ của thành phố có khả năng kiểm soát là 3.500 con/ngày, thiếu gần 1.500 con. Số lượng này phải nhập từ cơ sở giết mổ của các tỉnh lân cận, chủ yếu là Long An. Tuy nhiên, các cơ sở Anh Hoàng Thy, Vissan chỉ thực hiện giết mổ công nghiệp, chi phí giết mổ cao, chủ yếu cung cấp cho hệ thống phân phối của đơn vị hoặc các hệ thống phân phối hiện đại, không cung cấp ra chợ đầu mối, không chú trọng cho thuê hoặc gia công giết mổ.
Việc lựa chọn cơ sở giết mổ là do thương nhân, thương lái tự quyết định nên nhiều khả năng họ sẽ không đưa heo vào giết mổ trong các cơ sở trên mà đưa về giết mổ tại những cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn các tỉnh lân cận.
Qua làm việc với các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo có quy mô lớn trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh thì thấy, nguồn cung heo hơi hiện nay đang dư thừa và cam kết trong trường hợp thành phố yêu cầu sẽ sẵn sàng cung cấp, vận chuyển, giao hàng đến tận cơ sở giết mổ theo yêu cầu người mua, không để tình trạng khan hiếm, thiếu hàng xảy ra.
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó TGĐ Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ Súc Sản cho biết: “Vụ việc ở cơ sở giết mổ Xuyên Á đã làm tổng lượng thị trường chung giảm. Tuy nhiên, để giúp bình ổn số lượng thịt heo trên thị trường, về phía công ty, sẽ sẳn sàng cùng phối hợp cung cấp thịt heo giết mổ nếu Bộ Công thương yêu cầu”.
Bà cho biết thêm: “Tôi tin rằng, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đã chịu cú sốc lớn sau vụ việc, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ vì lợi ích chung - sẳn sàng cùng hợp tác để ổn định số lượng nguồn cung trên thị trường”.
Trong thời gian ngắn nhất, Sở Công thương sẽ làm việc với các siêu thị để xây dựng kế hoạch, tăng sản lượng cung ứng, cam kết không để thiếu hụt hàng hóa và bán đúng giá bình ổn thị trường.
Giá thịt heo xuống thấp chạm đáy
Thực tế, nguồn cung thịt heo đang chật vật đầu vào, nhiều doanh nghiệp đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng bình ổn lại số lượng thịt heo trên thị trường. Tuy nhiên, có một sự trái ngược đáng lo ngại là trong khi 50% nguồn thịt heo cắt giảm nguồn cung đang thiếu hụt, thì nhu cầu ăn thịt heo lại giảm. Nguyên nhân do đâu?
Xuyên Á là lò mổ lớn nhất TP. HCM hiện nay, mỗi ngày tổ chức giết mổ trên 5.000 con heo, chiếm hơn 50% tổng lượng thịt tiêu thụ của toàn thành phố. Đồng Nai là nguồn cung cấp chủ yếu, một lượng heo rất lớn thu mua tại đây, được đưa về TP. HCM tiêu thụ, đều được giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.
Sau vụ gần 4.000 con heo tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ bị phát hiện, giá heo mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn đã tăng vọt thêm 25.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại. Giá heo mảnh loại 1 tăng lên mức 65.000 - 70.000 đồng/kg, heo mảnh loại 2 lên mức 58.000 - 59.000 đồng/kg. Nguyên nhân do biết lượng heo về chợ giảm mạnh dẫn đến hao hụt nguồn cung khiến giá thịt tăng cao đột ngột.
Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, việc tạm ngừng hoạt động lò mổ Xuyên Á, cộng thêm sức tiêu thụ giảm vì người dân bất an đã khiến lượng heo cung ứng cho TP. HCM giảm mạnh, chỉ vào khoảng 25 - 30%. Theo quy luật chung của thị trường, nguồn cung bị cắt giảm sẽ đẩy giá cả thị trường lên cao, tuy nhiên thực trạng cho thấy người tiêu dùng thiếu lòng tin từ thịt heo - đã đẩy giá thịt heo xuống mức thấp chạm đáy.
Sức mua giảm mạnh, giá heo từ đó cũng sụt giảm 2.000 - 3.000 đồng, xuống chỉ còn 27.000 - 28.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi heo lỗ 300.000 - 500.000đồng/con heo xuất chuồng. Người nuôi heo khốn đốn vì thua lỗ, người tiêu dùng có nhu cầu về thịt heo sạch lại không đáp ứng được do lo ngại về chất lượng.
Chị Lê Thị Hạ (phường 1, quận 10) cho biết: “Thịt heo là nhu cầu hàng ngày ai cũng tiêu dùng, sau vụ cơ quan chức năng phát hiện tiêm thuốc an thần ở cơ sở giết mổ Xuyên Á, chúng tôi thấy lo ngại, không biết rằng từ trước đến nay mình có ăn những thịt heo như vậy không và nếu không có biện pháp chặt chẽ, tôi tin rằng không một người tiêu dùng nào dám mua về cho người thân gia đình mình những miếng thịt heo mà cứ nghi ngờ là tẩm hóa chất độc hại cả”.
Chị cho biết thêm: “Chúng tôi là người tiêu dùng, mua thịt heo sạch là nhu cầu chính đáng, giờ muốn mua thịt heo phần lớn đến các siêu thị, đắt hơn cũng được nhưng hy vọng đảm bảo chất lượng, còn giờ mua thịt heo ở ngoài vì nhu cầu cần thiết thôi, chứ ai cũng lo ngại”.
Vì lợi ích trước mắt, những chủ cơ sở giết mổ tiêm thuốc an thần vào heo, bất chấp ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Và ngay cả một cơ sở giết mổ lớn như Xuyên Á, vẫn để xảy ra tình trạng nhân viên ngang nhiên tiêm thuốc vào heo như vậy, những cơ sở nhỏ lẻ sẽ ra sao? Từ trước đến nay, đã quản lý thế nào?... Người tiêu dùng hoang mang là có lý do.
Việc phát hiện một cơ sở lớn giết mổ heo bị tiêm thuốc an thần kéo theo cả những bất cập trong truy xuất nguồn gốc của cả một hệ thống quản lý, người tiêu dùng lo ngại, người chăn nuôi chân chính phải chịu thua lỗ. “Quýt làm cam chụi” - cuối cùng chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng!
Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay, tính đến sáng 3/10, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 1.995 con heo trong tổng số hơn 3.750 con bị tiêm thuốc an thần, còn tồn hơn 1.700 con heo chưa tiêu hủy.
Nguyễn Điệp - Lưu Bình