Gặp gỡ trao đổi công khai
Ngày 12/05/2018, tại hội trường UBND phường Quảng Thắng, đã diễn ra buổi gặp gỡ trao đổi công khai, giải đáp một số thắc mắc của phụ huynh học sinh đối với công tác thu, chi của nhà trường năm học 2018 – 2019, do Ban giám hiệu nhà trường cùng phối hợp với phía chính quyền ủy ban phường Quảng Thắng tổ chức.
Tại đây, những vấn đề bức xúc đã được các phụ huynh và giáo viên nhà trường nêu rõ. Tâm lý chung đều tỏ ra bất bình phẫn nộ trước những khuất tất, sai phạm liên quan đến việc cắt khẩu phần ăn của các cháu, không được cung cấp các học phẩm phục vụ cho nhu cầu dạy và học, cho đến việc mặc dù đều đặn thu tiền đồ dùng phục vụ bán trú hàng năm, nhưng lại không mua sắm đồ dùng cơ bản theo dự toán hay vấn đề thu - chi tiền lễ hội.
Với bản báo cáo công khai các khoản thu năm học 2018 - 2019, do Ban giám hiệu nhà trường phát đến tay mỗi phụ huynh, đa số phụ huynh đều tỏ ra thiếu niềm tin vào bảng kê khai này, vì những điều rất bất hợp lý trong việc thu - chi.
Vô lý trong các khoản thu - chi
Anh Nguyễn Quang Thế, Hội trưởng Hội Phụ huynh nhà trường trao đổi với PV những vấn đề băn khoăn về chất lượng học tập, cũng như điều kiện cơ sở vật chất của con em mình đang theo học tại trường.
Cụ thể, nhà trường thu tiền đồ dùng phục vụ bán trú hàng năm từ phụ huynh, nhưng trong 2 năm gần đây không bổ sung cốc uống nước, các cháu phải dùng chung cốc, cốc bị gãy quai. Tại Kết luận của Thanh tra TP. Thanh Hóa, đã xác minh, làm rõ nội dung này là đúng.
Bà Ngô Thị Hồng Lê tại buổi trao đổi, giải đáp thắc mắc vấn đề thu - chi với phụ huynh và giáo viên nhà trường
Qua kiểm tra thực tế tại các lớp thì, không đảm bảo được số lượng 1 cốc/cháu. Đáng nói, thời điểm năm học 2017 - 2018, khi có thông báo từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố có đoàn về kiểm tra, thì nhà trường có mua 78 cái cốc phát cho các lớp. Tuy nhiên, sau khi đoàn về thì nhà trường đã thu lại toàn bộ số đồ đã bổ sung?
Về phần quỹ lễ hội, ngay từ đầu năm học, phía nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh đã lên kế hoạch dự trù kinh phí và thực tế đã tổng thu tiền lễ hội phục vụ cho cả năm học là 101.792.000 đồng.
Tại lần tổ chức chương trình “Những chiến sỹ tí hon” vào dịp 22/12, nhà trường đã mạnh tay chi tận 72.414.000 đồng mà vẫn chưa đủ, vì thế, kêu gọi phụ huynh đóng vào thêm 60.000 đồng/cháu để hỗ trợ mua trang phục. Như vậy, lấy số tiền 60.000 đồng đóng thêm nhân với tổng số học sinh đang theo học tại trường cộng cùng với phần chi trích từ Quỹ lễ hội của nhà trường, thì tổng chi cho riêng một chương trình này đã là hơn 90 triệu đồng?...
Chưa hết, đông đảo phụ huynh bất bình ở mục chi tiền tổ chức Tết Trung thu cho các cháu, hết tổng 7.950.000 đồng, nhưng chỉ chi ra đúng 800.000 đồng để mua bánh kẹo liên hoan cho toàn trường với tổng số 350 cháu. Như vậy, trung bình mỗi cháu được hơn 2.000 đồng, trong khi tiền thuê váy biểu diễn văn nghệ và múa lân là tận 6.650.000 đồng. Phụ huynh thắc mắc, không biết với số tiền ít ỏi như vậy, các cháu sẽ được liên hoan “phá cỗ” ra sao?
Tiếp đó, nhà trường chi tiền thuê váy áo biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày 20/11, hết 5.650.000 đồng. Chỉ sau 3 chương trình hoạt động, còn dư lại số tiền hơn 15 triệu đồng tiền Quỹ lễ hội.
Mặc dù, đã cân đối thu quỹ từ đầu năm học để phục vụ các chương trình theo kế hoạch đã xây dựng xuyên suốt cả năm, nhưng riêng trong học kỳ I, đã dùng gần hết tiền nên sang học kỳ II. Vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường đã không thể hiện thực hóa các chương trình còn lại trong năm như Lễ hội mùa xuân, Gala ca nhạc chào xuân, Hội trại măng non, Ngàn hoa dâng Bác... Điều đó, đồng nghĩa với việc cả một học kỳ này, các cháu không được tham gia bất cứ hoạt động nào nữa? Một số phụ huynh đánh giá, nhà trường đã rất thiếu trách nhiệm dẫn đến chất lượng giáo dục không được đảm bảo.
Không chỉ vậy, ngay tại buổi trao đổi, một phụ huynh có con đang theo học lớp mầm non bức xúc: “Cả tháng nay, các con đi học về nhưng không được phát phiếu Bé Ngoan. Lý do, được cô giáo chủ nhiệm trả lời với phụ huynh là "nhà trường hết phiếu nên không có để phát". Phiếu Bé Ngoan có giá trị về vật chất rất nhỏ, nhưng động viên các cháu. Tôi không hiểu, vì sao nhà trường lại cắt cái khoản này?”.
“Không phải do chúng tôi ăn chia không đều nên cấu xé nhau”...
Đó là lời khẳng định của cô giáo N.T.A, Chủ nhiệm lớp Lá 3, trong buổi trao đổi công khai tại UBND phường Quảng Thắng khi nói đến việc tập thể 16 giáo viên cùng ký trong đơn tố cáo Hiệu trưởng nhà trường, gửi đến các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí.
Lý giải cho hành động trên, cô N.T.A cho biết, nhằm đấu tranh vì quyền lợi của chính các em học sinh và phụ huynh. Bởi ngay cả các giáo viên cũng bị ép buộc từ bà Ngô Thị Hồng Lê, Hiệu trưởng nhà trường về chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp cố ý bỏ ngoài danh sách 20 - 25 cháu/tháng để bớt các khoản tiền thu hàng tháng tiền ăn. Với tổng số các suất ăn, đã bớt của các cháu lên đến 1.746 suất. Và các giáo viên hoàn toàn không có bất cứ lợi ích gì từ việc này, mà chỉ làm theo chỉ thị... (?!).
Rất nhiều phụ huynh đã đến UBND phường Quảng Thắng để yêu cầu làm rõ trách nhiệm, sai phạm của bà Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Thắng
Trao đổi về vấn đề trên, bà Lê cho biết: “Hoàn toàn không có chuyện bớt tiền ăn, mà là sự vận dụng có sáng tạo để làm tiệc buffe cho các cháu. Tôi cũng đã báo cáo việc này lên Thanh tra thành phố. Tôi khẳng định không có chuyện bớt tiền ăn” (?).
Liên quan nội dung này, tại Kết luận của Thanh tra TP. Thanh Hóa đã khẳng định: “Việc bớt tiền ăn, giảm suất ăn dẫn đến không đủ khẩu phần ăn của các cháu, trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2018 là sai phạm nghiêm trọng”.
Trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường, bà Lê đã tự ý đề ra những nguyên tắc không hợp lý, áp dụng những hình phạt hà khắc với giáo viên như đi muộn từ phút đầu tiên, phạt 20.000 đồng/phút, các phút tiếp theo phạt 10.000 đồng/phút; ăn trước mặt các cháu, phạt 50.000 đồng/ lần...
Trách nhiệm và biện pháp xử lý
Trao đổi với PV, cô giáo Nguyễn Thị P. tỏ ra vô cùng bức xúc khi cô đã có thời gian công tác tại trường từ năm 2012, là giáo viên hợp đồng. cô giáo Nguyễn Thị P. có bằng ĐH sư phạm mầm non chính quy và bản thân đã đứng lớp là giáo viên chủ nhiệm lớp chồi năm học 2015 - 2016. Nhưng từ khi cô P. có bầu thì bà Lê, Hiệu trưởng nhà trường đã chấm dứt hợp đồng lao động với cô.
Ngày 10/5/2019, do thiếu giáo viên nên phía nhà trường đã cho mời cô P. lên trao đổi về việc đề nghị ký hợp đồng lao động với nhà trường với thời gian... 10 ngày. Quá bất ngờ trước thời gian lao động được ghi trong hợp đồng nên cô P. đã ra về mà không đồng ý ký.
Vì theo như cô P., hợp đồng lao động thông thường ít nhất từ 1 - 3 tháng, hoặc 6 tháng trở lên. Còn thời hạn chỉ 10 ngày như bà Lê đề nghị, thì cô sợ quyền lợi của người lao động không được đảm bảo.
Về việc này, bà Ngô Thị Hồng Lê cho biết: “Cô P. chỉ là hợp đồng thời vụ. Lúc nào nhà trường cần thì nhà trường ký hợp đồng... Ở đây, tôi không làm sai”.
Từ những nội dung đã được xác minh, làm rõ, UBND TP. Thanh Hóa kết luận: Trách nhiệm chính để xảy ra nhiều sai phạm là bà Ngô Thị Hồng Lê. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của hiệu phó, kế toán và thủ quỹ nhà trường.
Vì vậy, UBND TP. Thanh Hóa đã chỉ đạo Ban giám hiệu Trường Mầm non Quảng Thắng phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và kiến nghị hình thức xử lý đối với bà Ngô Thị Hồng Lê, kiểm điểm trách nhiệm của những người liên quan khác.
Đồng thời, yêu cầu Trường Mầm non Quảng Thắng phải hoàn trả tổng số tiền hơn 57 triệu đồng, do thu - chi không đúng mục đích, không sử dụng cho phụ huynh; cấp phát đầy đủ đồ chơi, học phẩm, đồ dùng cá nhân cho các cháu. Chấm dứt việc phạt tiền đối với giáo viên trong việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc...
Hoài Thu