Trong đề xuất của Bộ Tài chính, mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng định là 0,4%. Theo nhiều chuyên gia, thuế tài sản là một sắc thuế phổ biến trên thế giới, nhưng Việt Nam áp dụng phải cần có lộ trình, để các khung pháp lý kiện toàn vừa đủ. Hiện tại, vẫn cần phải thỏa mãn nhiều điều kiện khác mới có thể áp dụng trơn tru và hợp lý.
Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đưa ra quan điểm sắc thuế này sẽ hợp lý nếu Luật Đất đai sửa đổi mang chiều hướng tích cực hơn. Thế giới thực hiện thu thuế tài sản đối với nhà ở được ủng hộ, vì họ không có khoản thu ngân sách đối với tiền sử dụng đất.
Theo HoREA, đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thì tiền sử dụng đất đang là ẩn số, vì không thể tiên lượng trước bao nhiêu để tính toán khi làm dự án. Đây cũng là gánh nặng vì tiền sử dụng đất phải nộp tương đương với 70% tiền làm dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng, thì coi như doanh nghiệp mua đất lần thứ 2.
Gánh nặng này đương nhiên được chuyển sang vai người mua nhà. Và chính người chịu thiệt cuối cùng là người mua nhà.
Trước nhiều luồng ý kiến phản ứng về đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng người dân nên bình tĩnh để hiểu đúng về Thuế tài sản, cũng như đề xuất của Bộ Tài chính.
Ông Hiển nói thực tế đây là sắc thuế quan trọng cho công bằng và phát triển. Sắc thuế này nếu thực hiện đúng sẽ hợp lý cho phát triển sản xuất kinh doanh, tạo giá trị, xóa bỏ chuyện người có nhà đất lớn là nhóm cầm trịch nền kinh tế.
Đề xuất đánh thuế đối với bất động sản có giá trị khởi điểm 700 triệu với mức thuế xuất 0,4% đã gây ra nhiều tranh cãi
“Quan sát các nước phát triển cho thấy những nước có thuế suất tài sản (BĐS) cao đều có mức sống của số đông tốt hơn (không phải tính theo kiểu thu nhập bình quân đầu người). Rõ ràng thuế tài sản giúp đời sống kinh tế ổn định hơn và tạo công bằng cho mọi thành phần kinh tế”, ông Hiển nói.
Xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với bất động sản (BĐS) có giá trị khởi điểm 700 triệu với mức thuế xuất 0,4%, ĐBQH, PGS. TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, đánh thuế tài sản là một chính sách thuế mà ở rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Tất nhiên đánh thuế là để tăng nguồn thu ngân sách nhưng đó không phải là mục tiêu chính của việc đánh thuế tài sản và BĐS. Mục tiêu chính của loại thuế này nhằm tạo ra sự điều tiết của xã hội đối với chính loại tài sản mà đặc biệt là những loại tài sản có số lượng hữu hạn.
Vì có số lượng hữu hạn cho nên nếu như không có chính sách đánh thuế sẽ dẫn đến tình trạng một số người nào đó sẽ chiếm hữu quá nhiều và làm mất cơ hội của người khác.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA chia sẻ thêm, để áp dụng thuế tài sản, đồng thời cũng chống đầu cơ, Nhà nước cần hoàn thành đề án cấp mã số định danh cá nhân. Kiện toàn được việc này mới tăng tính hiệu quả của việc đánh thuế tài sản trên nhà ở hay bất cứ loại hình gì. Mà thời điểm kiện toàn được đề án này cũng phải sau năm 2020, nên việc đánh thuế nên tính toán đến thời điểm.
“Đánh thuế tài sản là hết sức bình thường, nhưng tôi nghĩ sau 2020 là hợp lý, khi Luật Đất đai sửa đổi, đề án cấp thẻ định danh cũng kiện toàn sẽ hỗ trợ sắc thuế này thực hiện hiệu quả và đúng trọng tâm hơn. Điều quan trọng nhất là sắc thuế không đẩy gánh nặng lên người dân”, ông Lê Hoàng Châu nói thêm.
Ngọc Linh