Chiều 13/4, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về Dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, dự kiến đánh thuế đối với tài sản là nhà, đất ở, máy bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.

Với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. 

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án đánh thuế với nhà ở - Hình 1

Nhà ở có giá trị trên 700 triệu sẽ phải nộp thuế tài sản?

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính), theo kinh nghiệm quốc tế, mức thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Đa số các nước áp dụng mức thuế tài sản cao, trong đó một số nước trong khu vực, như Indonesia 0,5%, Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: Áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3% hoặc 0,4%. 

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, việc chọn đánh thuế theo giá trị nhà mà không đánh thuế theo diện tích là do phương án này đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp. Trong khi đó, việc xác định ngưỡng chịu thuế nếu đánh thuế nhà ở theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp...

"Ở Việt Nam, việc đánh thuế nhà đối với nhà và công trình thương mại, dịch vụ sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, dự kiến năm 2020 sẽ đưa dự thảo ra trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến", ông Thi nói.

Hoan Nguyễn