Ngày 03/12/2013, trên trang thông tin điện tử chính thức của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương - www.vca.gov.vn) có đăng tải kết luận sơ bộ của cơ quan điều tra đối với vụ việc điều tra chống bán phá giá thép không rỉ cán nguội và đưa ra mức thuế sơ bộ từ 6,45% - 30,73%.
Đại diện của 18 doanh nghiệp chính trong ngành công nghiệp sản xuất inox Việt Nam lấy làm tiếc và bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định này. Theo đó, sẽ sớm có kiến nghị chính thức lên cơ quan điều tra, cũng như các cơ quan hữu quan về nhiều điểm trong kết luận sơ bộ mà theo đại diện của 18 doanh nghiệp là chưa phù hợp với thực tế, với quy định của pháp luật Việt nam và pháp luật quốc tế; chưa tính đến lợi ích kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong lúc này, nếu mức thuế sơ bộ được cơ quan có thẩm quyền áp dụng ngay - sẽ đẩy các doanh nghiệp sản xuất inox cũng như người tiêu dùng Việt Nam vào tình thế vô cùng khó khăn và khó tránh khỏi bị thiệt hại không thể khắc phục được, thể hiện ở một số điểm cơ bản như sau:
Thuế chống phá giá sơ bộ lên thép cán nguội không rỉ nhập khẩu thực chất, sẽ do chính các đơn vị sản xuất sử dụng nguyên liệu thép cán nguội không rỉ nhập khẩu và người tiêu dùng Việt Nam gánh chịu, chứ không phải là bên xuất khẩu nước ngoài. Do vậy, pháp luật về chống phá giá đòi hỏi cơ quan điều tra phải xem xét để cân bằng lợi ích giữa các nhà sản xuất khởi kiện và người nhập khẩu, người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quyết định sơ bộ, lợi ích của các doanh nghiệp này và người tiêu dùng lại chưa được cơ quan điều tra xem xét một cách thỏa đáng, cân bằng với bên khởi kiện.
Đối với các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu thép không rỉ, thuế sơ bộ, nếu được áp dụng, sẽ chặn đứng khả năng tiếp cận nguyên liệu thép cán nguội không rỉ với mức giá cạnh tranh, khi mà giá thép không rỉ do các doanh nghiệp khởi kiện cung cấp tại thị trường trong nước đã cao hơn từ 10 - 20% so với thị trường quốc tế và các doanh nghiệp trong nước chưa cung cấp được thép không rỉ cán nguội với giá thành, chất lượng và chủng loại hợp lý. Vấn đề này, đại diện 18 doanh nghiệp đã kiến nghị chi tiết lên cơ quan điều tra, nhưng không thấy được kiến nghị đó ghi nhận trong kết luận sơ bộ. Nhập khẩu từ 4 nước và vùng lãnh thổ bị điều tra (Đài Loan, Malaysia, Indonesia và Trung Quốc), là nguồn nguyên liệu chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam và việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ thị trường thay thế hợp lý là hoàn toàn không có tính khả thi! Thực tế, việc nhập khẩu mặt hàng này từ một số thị trường như Đài Loan hiện đang có mức thuế là 10%, nếu áp thuế thêm nữa thì các doanh nghiệp sản xuất inox Việt Nam chỉ còn lựa chọn là thu hẹp sản xuất, nhường thị phần cho hàng thành phẩm cho nước ngoài! Và hệ lụy là các doanh nghiệp này sẽ bị thiệt hại lớn, hàng nghìn công nhân mất việc làm, thất thu hàng chục tỷ đồng ngân sách mỗi năm từ tiền thuế.
Các sản phẩm inox, đặc biệt là đồ gia dụng được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng rất phổ biến và trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, việc áp thuế sơ bộ như nêu trên - sẽ làm tăng giá mặt hàng đồ gia dụng inox, tạo thêm gánh nặng cho người dân.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đang vươn lên và có chỗ đứng trên thế giới trong ngành xuất khẩu ống inox và các sản phẩm gia dụng, trang trí sử dụng nguyên liệu là thép không rỉ cán nguội. Ngay cả việc tạm áp thuế chống bán phá giá nguồn nguyên liệu này thôi thì cũng đưa nhiều doanh nghiệp đến việc đền bù các hợp đồng đã ký, ngưng trệ hoạt động xuất khẩu đã đầu tư nhiều tiền của khi tìm lối thoát cho thị trường trong nước khó khăn.
Về nội dung, quyết định sơ bộ còn rất nhiều điểm cần phải được cân nhắc, xem xét thêm. Ví dụ, quyết định sơ bộ chưa xem xét đầy đủ các căn cứ để xác định phạm vi sản phẩm áp thuế chống phá giá mà hầu như chỉ căn cứ vào đơn kiện, dẫn đến việc đề nghị áp thuế đối với các sản phẩm trong nước hầu như chưa sản xuất được, hoặc sản xuất lượng rất nhỏ (sản phẩm Inox series 200 khổ rộng, sản phẩm baby coil), quyết định sơ bộ phân tích quá sơ sài về vấn đề quan hệ nhân quả giữa thiệt hại của hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu bị điều tra, đặc biệt không đề cập đến các nguyên nhân khác là nguyên nhân gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước (ví dụ, việc tăng công suất quá lớn, thậm chí vượt quá nhu cầu trong nước của POSCO).
Với chỉ 2 doanh nghiệp POSCO VST và Hòa Bình Inox chiếm tới 81,1% thị phần, việc áp thuế chống bán phá giá, sẽ hầu như đặt thị trường thép không rỉ cán nguội Việt Nam dưới sự kiểm soát của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là POSCO VST. Viễn cảnh doanh nghiệp này lạm dụng ưu thế về thị phần để tăng giá hoặc đặt ra các yêu cầu vô lý trong mua bán là điều hết sức quan ngại!
Việc doanh nghiệp kiện chống bán phá giá là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, quyết định sơ bộ của cơ quan điều tra trong vụ việc hiện tại có nhiều vấn đề bất cập, cần phải được xem xét lại, thậm chí điều chỉnh, bổ sung để tránh gây ra các thiệt hại không đáng có. Từ khi có quyết định tiến hành điều tra, các doanh nghiệp (18 doanh nghiệp) đã rất tích cực tham gia cung cấp cho cơ quan điều tra các bản trình bày ý kiến chi tiết để giúp cơ quan điều tra có thông tin đa chiều về vụ việc và tính nghiêm trọng nếu tiến hành áp thuế. Tuy nhiên, kết luận sơ bộ của cơ quan điều tra dường như không cho thấy các kiến nghị của 18 doanh nghiệp được xem xét và đánh giá thích đáng và dường như cơ quan điều tra đã không xem xét cẩn trọng hậu quả nặng nề, không thể khắc phục được mà việc áp thuế sẽ gây ra đối với các doanh nghiệp sử dụng thép không rỉ, người tiêu dùng Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung trong giai đoạn khó khăn này.
Mong rằng (18 doanh nghiệp), Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ cân nhắc thận trọng về việc phê chuẩn lệnh áp thuế, xem xét việc dành cho doanh nghiệp nhập khẩu một khoảng thời gian hợp lý để chuẩn bị trước thời điểm bắt đầu áp thuế, nếu có, thậm chí cần xem xét yêu cầu cơ quan điều tra tính toán mức độ thiệt hại làm cơ sở để điều chỉnh mức thuế chống phá giá trên cơ sở xem xét đến tỷ lệ thiệt hại thực tế của doanh nghiệp trong nước (vấn đề này cơ quan điều tra lẽ ra phải tính toán, nhưng chưa đưa ra trong quyết định), để tránh việc quyết định áp thuế, gây ra các thiệt hại, tổn thương không thể khắc phục được cho chính doanh nghiệp Việt Nam. Lưu ý thêm rằng, WTO trao cho các thành viên quyền quyết định có áp thuế hay không, hoặc nếu có thì áp mức thuế bao nhiêu là hợp lý (nhưng tối đa chỉ tương ứng với mức độ thiệt hại).
Trên đây là kiến nghị của đại diện 18 doanh nghiệp chính trong ngành công nghiệp sản xuất inox Việt Nam.
Phong – Kiên (Ghi)