THCL Đoàn thanh tra liên ngành của UBND TP. Hà Nộiđã tiến hành thanh kiểm tra các dự án nhà ở, KĐT mới có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất trên địa bàn…
Nhưng vì sao việc Handico ngang nhiên “băm nát” lô đất E3, E4, E5 - KĐT mới Cầu Giấy (P. Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) để cho thuê, trục lợi trái phép vẫn không bị xử lý? Có hay không việc Đoàn Thanh tra liên ngành bỏ lọt sai phạm?
Trước đó, nhằm hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, ngày 21/5, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quyết định số 2528/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành, thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất.
Đoàn thanh tra liên ngành gồm 18 thành viên, do ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn; có nhiệm vụ thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất… báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định…
Quyết định của chủ tịch UBND Thành phố; Đoàn kiểm tra liên ngành tiến thành thanh, kiểm tra là vậy, nhưng đến nay, hoạt động “xẻ thịt” các lô đất E3, E4, E5 để cho thuê, trục lợi trái phép hàng tỷ đồng của Handico vẫn không bị đoàn thanh tra phát hiện, xử lý?
Thậm chí, sau vụ cháy liên hoàn nhiều ki ốt, nhà hàng, xảy ra tối 18/10/2014, tại Lô E5, hàng loạt sai phạm trong sử dụng đất của Handico tại các lô E3, E4, E5 (thuộc KĐT Cầu Giấy) đã được cơ quan chức năng chỉ rõ.
Tại thời điểm này, Đoàn kiểm tra liên ngành của quận Cầu Giấy đã tiến hành rà roát, kiểm tra thực trạng hoạt động kinh doanh và quy hoạch sử dụng đất tại Khu đất E3, E4, E5, khu vực bố trí trụ sở các tổng công ty tại KĐT mới Cầu Giấy. Qua kiểm tra, các lô đất đều xây dựng, kinh doanh sai so với mục đích sử dụng.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy và UBND phường Yên Hòa phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành lập biên bản và xử lý các vi phạm trên.
Đáng nói, hiện nay hầu hết các ki ốt xây dựng trái phép trên lô đất E3, E4, E5 đều “mọc” gần các trục đường lớn, dễ quan sát. Đặc biệt, trên tuyến phố Dương Đình Nghệ, hàng loạt nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, gara ô tô, trạm rửa xe… mọc lên với mật độ dày đặc, kinh doanh tấp nập cả ngày lẫn đêm gây mất trật tự công cộng, lấn chiếm vỉa hè,làm mất mỹ quan đô thị,gây ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.
Trước sự việc trên, dư luận không khỏi hoài nghi: Có hay không việc “bảo kê”, “chống lưng” cho Handico “xẻ thịt” đất vàng? Bởi, nhiều năm qua, doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên “băm nát” đất vàng để cho thuê, trục lợi trái phép hàng tỷ đồng…
Vì vậy, ngoài việc yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ hoạt động sử dụng đất sai mục đích của Handico, đề nghị UBND TP. Hà Nội làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức,cá nhâncó liên quan khi để xảy ra sai phạm kéo dài, nhưng không xử lý theo đúng quy định.
Theo điều 38, Luật Đất đai quy định rõ: Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất: 1. Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế; 2. Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; 3. Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả; 4. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; 5. Đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; 6. Đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp sau đây:a) Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm;b) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm; 7. Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; 8. Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; 9. Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước; 10. Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn; 11. Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liền; 12. Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép. |
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tuấn Ngọc – Gia Huy