Vụ Jerusalem: Ông Trump chứng minh bản lĩnh, nhưng chạm

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Ông Trump cho biết sự thừa nhận chính thức này sẽ liên quan đến việc di chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem.

Trước tuyên bố ngày mùng 6, tổng thống Mỹ đã nhận cảnh báo từ các lãnh đạo Ả Rập rằng hành động này sẽ gây ra những biến động khó lường trong thế giới Ả Rập.

Jerusalem đến nay vẫn là điểm nóng mâu thuẫn giữa Palestine và Israel trong nhiều thập kỷ qua. Tương tự với nhiều thành phố thủ đô khác, Tel Aviv là nơi đặt cơ sở ngoại giao của nhiều nước tại Israel.

Vụ Jerusalem: Ông Trump chứng minh bản lĩnh, nhưng chạm

Hàng nghìn người đổ ra các đường phố trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/12 để phản đối quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel (Ảnh: Hürriyet Daily News)

Cơ hội để chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy?

Tờ Global Times (Trung Quốc) bình luận, quyết định mới nhất của ông Trump sẽ biến hàng chục năm nỗ lực hòa giải giữa Palestine và Israel "thành đống đổ nát". Điều này đồng nghĩa vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên, mà chính phủ Mỹ duy trì trong nhiều năm qua, sẽ "hạ cánh cứng".

Cục diện chính trị tương lai ở Trung Đông cũng sẽ bị tác động. Kể từ "Mùa xuân Ả Rập", xung đột giữa dòng Hồi giáo Sunni và Shia, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), chiến sự tiếp diễn tại Syria... là "hệ quả tập thể" của biến động khu vực, nhưng trong đó Israel vẫn kiểm soát và duy trì được quan hệ hòa bình với Palestine.

Tuy nhiên, lúc này sự tập trung của khu vực sẽ đổ về vấn đề cũ của lãnh thổ bị chiếm đóng Jerusalem.

Theo Global Times, khó có thể lý giải hết động cơ về quan hệ quốc tế khi tổng thống Trump "chọc tổ ong" mang tên thành phố biểu tượng ba tôn giáo Jerusalem. Tình hình Trung Đông sẽ nhanh chóng nóng lên, châm ngòi cho cơn giận leo thang của các nước Ả Rập và Hồi giáo nhằm vào Mỹ.

Chuyển biến này sẽ làm tiêu tan nỗ lực của Washington và mở đường cho khủng bố. Tờ báo Trung Quốc nói hành động của ông Trump đem lại lợi ích là con số 0 cho chiến lược mà ông gọi là "tập trung tất cả vào phát triển kinh tế".

Trong khi các nước Ả Rập và Hồi giáo đang tái thiết, hệ quả hành động của chính quyền Trump sẽ rất "kịch liệt", và phản ứng của Mỹ với các chính phủ mới ở Trung Đông vẫn gượng gạo, còn phải ứng của công dân khó có thể kiểm soát.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thấy đây là cơ hội mở độc nhất và bất ngờ, để chứng minh với thế giới rằng họ là những chiến binh duy nhất "đúng đắn và cần thiết". Người Mỹ có thể sắp phải đón nhận một làn sóng tấn công khủng bố mới ở mọi cấp độ trên chính đất nước của mình.

Bước đi mới về Jerusalem cũng cản trở kinh tế Mỹ phát triển. Phản ứng của thế giới Ả Rập và Hồi giáo sẽ gay gắt, những nhóm theo chủ nghĩa cực đoan có điều kiện lý tưởng để truyền bá tư tưởng của mình.

Vụ Jerusalem: Ông Trump chứng minh bản lĩnh, nhưng chạm

Các nước thành viên Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC), đại diện tiếng nói tập thể của các quốc gia Hồi giáo, sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt ngày 13/12 để đưa ra phản ứng chung trước tuyên bố của tổng thống Trump về quy chế pháp lý của Jerusalem (Ảnh: IRNA)

Tổng thống Trump sẽ làm gì tiếp theo?

Global Times cho rằng ông Trump đã chứng tỏ được bản thân là một lãnh đạo dám hành động. Đã khá lâu nước Mỹ chưa chứng kiến ý chí cứng rắn của một tổng thống.

Kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm nay, những cam kết, quan điểm được ông chuyển thành chính sách và hành động thực tế nhiều hơn mong đợi. Điển hình là việc ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ra lệnh tấn công tên lửa một căn cứ của quân chính phủ Syria, hay ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 6 nước Hồi giáo.

Những hành động trên tưởng như khó tin, nhưng tổng thống Trump chỉ đang thực hiện những lời hứa trước đó của mình.

Giới quan sát quốc tế hồi hộp dự đoán bước đi tiếp theo của Nhà Trắng sau tuyên bố của ông Trump về Jerusalem. Có khả năng tổng thống sẽ quyết đoán áp đặt sức mạnh Mỹ và thúc đẩy cải tổ ở những khu vực trên thế giới còn đối lập với Mỹ.

Global Times dẫn chứng, dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump, Mỹ hoàn toàn nghiêm túc khi đề cập sử dụng quân sự chống lại Triều Tiên. Mỗi khi Bình Nhưỡng từ chối ngưng các vụ thử hạt nhân và tên lửa thì khả năng ông Trump "ngả" về phương án vũ lực lại tăng lên.

Trong tương tác với tổng thống Trump, sức mạnh của một quốc gia mới là nhân tố trọng yếu, chứ không phải việc kết thân hay hòa dịu với ông. Theo tờ báo Trung Quốc, các bên không muốn bị Mỹ thao túng cần hiểu rõ điều này.

Theo Thời đại