THCL - Là người đẹp đầu tiên bị tước vương miện chỉ sau 3 ngày đăng quang, Nguyễn Thị Thành trở thành tâm điểm của truyền thông. Nhiều người đứng về phía người đẹp đến từ Bắc Ninh. Sau sự việc trên, một số chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi lại luật định.

Từ sự việc Nguyễn Thị Thành bị tước vương miện Á khôi 1 chỉ sau 3 ngày đăng quang chỉ vì sửa răng, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều về sự việc trên. Đại đa số cho rằng, việc tước danh hiệu của cô là quá nặng tay của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Cục NTBD).

 Vụ scandal tước vương miện: Quy chế thi hoa hậu, người đẹp - nhiều bất cập! - Hình 1

Top 3 Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 

Dư luận cho rằng, lỗi đầu tiên thuộc về BTC cuộc thi khi đã phê duyệt hồ sơ của Thành để cô có thể vào tới được vòng chung kết. Bởi lẽ, để vào được tới chung kết và có giải, các người đẹp phải trải qua rất nhiều vòng thi như nhân trắc học, phỏng vấn với BTC, các phần thi phụ trong khuôn khổ cuộc thi...

Không phải “ngẫu nhiên” mà Nguyễn Thị Thành có thể đi sâu như thế nếu BTC không buông lỏng quản lý dẫn tới việc Thành bị tước vương miện một cách “tức tưởi”, để một cô gái vừa tròn đôi mươi phải hứng chịu sức nặng của truyền thông và dư luận.

Trước đó, cô đã từng bị BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 loại khỏi chung kết khi phát hiện cô bọc răng sứ. Sự việc trên đã gây rúng động một thời gian dài vì màn đấu tố giữa các bên. Có vẻ như, BTC cuộc thi Hoa khôi Du lịch đã “vô tình” quên sự việc trên nên “thản nhiên” để Thành được vào tới tận chung kết và giành danh hiệu.

Người ta trách Thành một thì trách sự thiếu trách nhiệm của BTC cuộc thi 10. Bởi nếu không cho Thành cơ hội, cô đã không phải chịu “cú tát” đau như thế chỉ sau 3 ngày đăng quang?

Sau sự việc của Nguyễn Thị Thành, một số chuyên gia đã có những ý kiến về sự việc trên. Đa số cho rằng, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên thay đổi quy chế trong các cuộc thi hoa hậu, người đẹp nếu không muốn đi ngược lại với xu thế của thế giới, để nhan sắc Việt được tỏa sáng tại bản đồ sắc đẹp thế giới.

 Vụ scandal tước vương miện: Quy chế thi hoa hậu, người đẹp - nhiều bất cập! - Hình 2

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Trưởng BGK cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 cho rằng: “Ranh giới giữa vẻ đẹp tự nhiên và vẻ đẹp nhân tạo càng ngày càng trở nên mong manh. Việc niềng răng hay chỉnh trang hàm răng được nhiều cuộc thi sắc đẹp thế giới chấp nhận. Họ không cho đó là phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại khác. Hiện nay, quy chế ở các cuộc thi như Hoa hậu Việt Nam vẫn đặt ra là các thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, việc làm đẹp trở nên phổ biến thì quy chế này đang có nhiều điều chưa hợp lý”.

 Vụ scandal tước vương miện: Quy chế thi hoa hậu, người đẹp - nhiều bất cập! - Hình 3

Cựu người mẫu Thúy Hạnh

Theo cựu người mẫu, chuyên gia đào tạo hoa hậu Thúy Hạnh: “Đây không phải là lần đầu tiên bàn về vấn đề này. Các cơ quan chức năng cũng đã có những tiếp thu nhưng chưa thay đổi nhiều. Câu chuyện "hàm răng mái tóc là vóc con người" thì chuyện chăm sóc hay làm cho nó trở nên đẹp hơn là điều bình thường. Với người Việt, điều này càng cần thiết vì “chuyện răng đẹp từ trong trứng" là rất hiếm. 

Ở Châu Âu hay Hollywood, người ta vẫn làm tóc, chỉnh răng và xem đó là điều tự nhiên. Kể cả ở những cuộc thi như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, các thí sinh đều có thể phẫu thuật thẩm mỹ. Có điều, họ không được lạm dụng mà thôi”.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại quy chế tại các cuộc thi hoa hậu, người đẹp với tinh thần cầu thị, bởi xu thế của thế giới đã thay đổi, chẳng nhẽ Việt Nam vẫn mãi giữ nguyên những tư duy “bất cập” như thế? 

Quang Nam