Lễ hội thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương và du khách.
Đây là Lễ hội có ý nghĩa quan trọng, không chỉ với cư dân vùng biển, mà còn thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, trở thành hoạt động văn hóa, du lịch của địa phương.
Theo tư liệu lịch sử, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu được cộng đồng dân cư địa phương tổ chức từ năm Giáp Thân 1834 và duy trì hàng năm vào ngày 16/8 đến 18/8 âm lịch tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Đình thần Thắng Tam, số 77A Hoàng Hoa Thám, Phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu.
Lễ Nghinh Ông (Cá Ông/Voi – Thần Nam Hải) trên biển mở đầu cho phần lễ được xem là phần đặc biệt quan trọng, thường diễn ra từ 5h30 sáng ngày đầu tiên của lễ hội. Đoàn Nghinh Ông cúng cầu ngư diễu hành qua các đường phố rồi đến Bãi Trước, Vũng Tàu, sau đó kiệu Nghinh Ông được đưa lên ghe đến điểm làm lễ, cách bờ khoảng 1km. Tại đây, đoàn sẽ thực hiện các nghi thức : Lễ thượng hương, lễ chầu rượu, lễ đọc sớ, lễ đại điền theo tục lệ cổ truyền của người Việt, cầu an, gửi đến Ông ước mong mang đến điềm phước lành, đồng thời tỏ lòng cảm ơn đối với những oan hồn, binh tôm tướng cá.
Sau đó, Đoàn Nghinh Ông từ biển về. Tại đàn tế trên bờ, Đoàn thực hiện tế lễ An vị Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi thần khai Nghinh Thủy Tướng, ghi ơn những người làm nghề biển, tưởng niệm bạn xưa lái cũ và tất cả những linh hồn mất trên biển…Các nghi lễ sau đó như Lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền theo nghi thức truyền thống tại Đình thần Thắng Tam để cảm tạ công ơn, quy đức của các bậc tiền bối, hậu bối; Thỉnh Sắc thần và tế Nam Hải Đại Tướng quân…
Từ khi xuất hiện cho đến nay, tục thờ cúng cá Ông tồn tại như một nhu cầu tâm linh và sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của ngư dân Thắng Tam Vũng Tàu. Lễ hội là di sản quý giá không phải chỉ riêng của Vũng Tàu mà là của khu vực phía Nam và của cả nước.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh: “Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam được Bộ Văn Hóa – Thể Thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 237/QĐ - BVHTTDL ngày 14/02/2023. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Đồng thời là điều kiện thuận lợi để nhân dân trong nước và du khách quốc tế biết nhiều hơn về sự độc đáo của văn hóa vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu”.
Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh cũng bày tỏ: Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Lễ hội Nghinh Ông vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chúng tôi cam kết, sẽ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu nói riêng và các di sản văn hóa nói chung theo phương châm "lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động”, "biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương…”
Phần hội được thành phố Vũng Tàu tổ chức với nhiều hoạt động phong phú: Đồng diễn dưỡng sinh, ngày hội diều, giải bóng chuyền hơi, giải bóng rổ, giải bi sắt, giải đua xe mô hình điều khiển từ xa VRC, Lễ hội lồng đèn “Biển và đại dương”, Hội thi hoa lan, Hội thi rung chuông vàng tìm hiểu về biển đảo Việt Nam và lịch sử văn hóa Đình thần Thắng Tam, nhiều trò chơi dân gian … Các hoạt động diễn ra hết ngày 01/10/2023.
Thanh Huyền