New York đã vượt qua London để trở thành trung tâm tài chính hấp dẫn nhất thế giới - Ảnh: Reuters.
Quyết định của cử tri Anh rút nước này khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - chính là nguyên nhân khiến các ngân hàng dịch chuyển việc làm khỏi London nhằm duy trì quyền tiếp cận với khối thị trường chung châu Âu.
Brexit đặt ra thách thức lớn nhất đối với ngành tài chính của London kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, bởi "cuộc ly hôn" này có thể khiến các ngân hàng và công ty bảo hiểm đặt tại Anh mất quyền tiếp cận với thị trường chung EU - khối thương mại lớn nhất thế giới.
Theo chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu Z/Yen, New York giành vị trí số 1, theo sau là London, Hồng Kông và Singapore. Chỉ số này xếp hạng 100 trung tâm tài chính trên thế giới dựa trên các yếu tố như cơ sở hạ tầng và mức độ sẵn có của nhân lực tài chính chất lượng cao.
So với cách đây 6 tháng, điểm số của London tụt 8 điểm, mức giảm mạnh nhất trong số các trung tâm tài chính hàng đầu. Các tác giả của cuộc khảo sát nói rằng sự sụt giảm này phản ánh tình trạng bấp bênh do Brexit gây ra.
"London đang tiến ngày càng gần đến ngày ra khỏi EU và chúng ta vẫn chưa biết liệu London có thể giữ nguyên được quan hệ thương mại như cũ với các trung tâm tài chính ở châu Âu", ông Mark Yeandle, một đồng tác giả của cuộc khảo sát nói với Reuters.
"Nỗi lo London bị mất hoạt động kinh doanh vào tay các trung tâm tài chính khác đang dẫn tới sự giảm điểm nhẹ của thành phố này, và mọi người đang lo về sức cạnh tranh của London".
Từ khi cử tri Anh bỏ phiếu chọn Brexit cách đây hơn 2 năm, một số công ty tài chính mạnh nhất thế giới đặt tại London đã bắt đầu chuyển nhân viên sang EU. Theo dự báo của Reuters, sẽ có khoảng 5.000 công việc được dịch chuyển khỏi London hoặc tạo ra ở EU thay vì ở London trước tháng 3/2019 - thời điểm Anh chính thức ra khỏi EU.
Tháng 7 năm ngoái, người đứng đầu quận tài chính của London nhận định thành phố này sẽ mất từ 3.500-12.000 công việc trong ngành tài chính vì Brexit.
Trong vòng một năm qua, ngày càng có nhiều ngân hàng tuyên bố kế hoạch mở chi nhánh mới ở EU sau Brexit. Hầu hết các ngân hàng Mỹ, Anh và Nhật Bản đều nói họ sẽ mở chi nhánh ở Franfurtk, Paris hoặc Dublin.
Trái với sự tụt hạng của London, các trung tâm tài chính khác ở châu Âu đã đi lên trong xếp hạng toàn cầu. Zurich nhảy lên vị trí thứ 9 từ vị trí thứ 16 cách đây 6 tháng. Frankfurt tăng lên vị trí thứ 10 từ vị trí thứ 20, trong khi Amsterdam nhảy lên vị trí 35 từ vị trí 50.
"London và New York từ lâu đã cạnh tranh vị trí số 1 của xếp hạng và những bấp bênh gây ra bởi Brexit có thể chính là nguyên nhân dẫn đến sự hoán đổi vị trí mới nhất này", ông Miles Celic, Giám đốc điều hành của tổ chức vận động hành lang TheCityUK, phát biểu. "Trong một thế giới cạnh tranh, chúng tôi không được phép tự mãn".
Theo Vneconomy