Sự lãng phí lớn

Theo ông Hồng, tại Phú Thọ, về cơ cấu, hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo cơ bản (bao gồm cả việc truyền nghề, tự học) chiếm khoảng 55%; nhưng số lao động được cấp văn bằng, chứng chỉ qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 20%. Như vậy, tỷ lệ lao động được đào tạo ở mức thấp hoặc những người chưa qua đào tạo đã bước vào thị trường lao động chiếm khoảng 80%.

Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá tham chiếu các trình độ giáo dục nghề nghiệp có thể khác nhau. Một số vị trí lao động đối với kiến thức có thể coi là lao động đơn giản, nhưng so kỹ năng thì lại có tay nghề rất sâu, chuyên nghiệp; ở góc độ nào đó, có thể coi là chuyên gia trong lĩnh vực họ đang làm việc. So sánh có thể thấy, trên địa bàn tỉnh, có khoảng 300 lao động nước ngoài. Số lao động nước ngoài, chúng ta đang phải “nhập” về không phải vì họ có kiến thức, trình độ cao mà bởi thành thạo một lĩnh vực, nghề nghiệp mà họ đang làm việc, trong khi thị trường của ta chưa có.

“Vượt sóng” để thích ứng CMCN 4.0 - Hình 1

Giáo dục nghề nghiệp - yếu tố vô cùng quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực, sẵn sàng thích ứng với cuộc CMCN 4.0

“Tại cuộc điều tra cung - cầu về lao động của chúng tôi từ năm 2012 - 2016, trên địa bàn tỉnh, đào tạo trên 24.000 người có trình độ ĐH, CĐ trở lên. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có trên 6.000 người có thể tìm được việc làm đúng ngành, đúng nghề được đào tạo; khoảng 7.000 trường hợp lao động tìm được việc làm nhưng không đúng ngành, nghề; còn khoảng 10.000 lao động được đào tạo, có trình độ ĐH, CĐ chưa tìm được việc làm. Qua đó, có thể thấy sự lãng phí rất lớn, cả tuổi trẻ của người lao động và kinh tế”, ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, chúng ta cần phải hiểu rõ về thị trường lao động: Người lao động phải đáp ứng được sản phẩm, dịch vụ mà xã hội cần, tức là họ “làm được gì”, chứ không phải “sẽ làm được gì”. Bởi thị trường lao động có những yếu tố đặc biệt, nó chỉ đánh giá sản phẩm sau khi người ta đã mua bán, sử dụng rồi.

Ngoài ra, chúng ta đang thiếu sự chuẩn hóa đầu ra, thiếu “liên thông” trong thị trường lao động bởi chất lượng đào tạo ở mỗi cơ sở có thể khác nhau, cần có những tiêu chí chung và người sử dụng lao động sẽ dựa trên những tiêu chí ấy để sử dụng lao động.

Tìm cách thích nghi

Bản chất của thị trường lao động, việc làm luôn trong tình trạng “nhấp nhô”, có thể thừa hoặc thiếu lao động bất kể lúc nào, để tránh việc nhiều lao động sau đào tạo không có việc làm, thì cần sự điều chỉnh ở cấp vĩ mô, từ những chính sách...

Cuộc CMCN 4.0 đang có những tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, lực lượng lớn lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn chưa qua đào tạo - sẽ là đối tượng chịu tác động rất lớn.

Đối với CMCN 4.0, trong thị trường lao động cũng như trong nền kinh tế, dù muốn hay không muốn thì chúng ta đều phải chấp nhận: Sẽ có ngành nghề biến mất và nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Do đó, buộc chúng ta phải tìm cách thích nghi với CMCN 4.0. Ngay cả những ngành, nghề không bị mất đi, thì lực lượng lao động cũng phải thay đổi lớn để có được sản phẩm tốt với giá cả cạnh tranh.

Ông Hồng nhìn nhận: Chúng ta đã trải qua nhiều sự thay đổi tương tự và giờ là CMCN 4.0. Mỗi lần chuyển đổi, đòi hỏi phải thích nghi, tuy nhiên, người lao động không nên quá lo lắng trước CMCN 4.0; phải ý thức được nó và sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để chuyển đổi.

Người lao động cần chủ động tiếp cận CMCN 4.0 - nhìn nhận như là cơ hội thay vì thách thức, không ngừng cập nhật và nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc để từng bước tiến đến làm chủ công nghệ, máy móc mới…

Rõ ràng, chúng ta không thể trông chờ vào sự may - rủi ở thị trường lao động, mà phải khẳng định: Muốn phát triển SXKD, đưa năng suất lên cao, cạnh tranh, tồn tại được thì không thể sử dụng nguồn nhân lực chưa qua đào tạo hay thiếu kiến thức, kỹ năng. Và giáo dục nghề nghiệp chính là yếu tố cực kỳ quan trọng để chúng ta chuẩn bị nguồn nhân lực, sẵn sàng thích ứng với CMCN 4.0.

Hoan Nguyễn