Cơ hội và thách thức

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang trong giai đoạn khởi phát và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị hiện nay.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, CMCN 4.0 sẽ giúp các DN tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của DN. Cùng với đó, người tiêu dùng sẽ có được lợi ích từ việc tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh hơn và đặc biệt là được cá nhân hóa theo ý muốn.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội để bứt phá - Hình 1

Việt Nam đang có sự tiếp cận khá nhanh về CMCN 4.0 khi hàng loạt cuộc thảo luận, nghiên cứu cho nội dung này đã được thực hiện. Song điều đáng nói đó là sự tích cực và chủ động từ Chính phủ và các bộ, ngành với quyết tâm “đi tắt đón đầu” cuộc cách mạnh công nghiệp lần này.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ một cuộc cách mạng nào, CMCN 4.0 mang lại những cơ hội rất lớn nếu biết tận dụng và đồng thời là thách thức bị tụt hậu và loại bỏ.

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cho rằng, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh, dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống.

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Công thương) cho rằng, thách thức đầu tiên Việt Nam gặp phải đó là trình độ phát triển (có nơi vẫn áp dụng CMCN 1.0, 2.0, 3.0), cho nên việc đi tắt đón đầu hay nhảy vọt là điều không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, CMCN 4.0 đòi hỏi phải thay đổi hoàn toàn lề lối sinh hoạt và quản lý nhằm tận dụng kết nối Internet vạn vật và trí tuệ thông minh. Tuy nhiên, phương thức sản xuất, cách sống và sinh hoạt hiện tại ở Việt Nam vẫn còn quá xa vời để tiếp cận được.

Ông Phạm Đình Thưởng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cho biết, thách thức lớn nhất là về chính sách để tạo được những DN nội địa có thể ứng dụng những công nghệ nổi bật của cuộc cách mạng này và làm sao để phát triển một nền kinh tế chia sẻ.

Ngoài ra, CMCN 4.0 cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách, bao gồm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế (thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân) và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Cần thay đổi tư duy

Để tận dụng được CMCN 4.0 vào phát triển kinh tế địa phương, nhiều lãnh đạo tỉnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có một cách tiếp cận tốt hơn so với những gì đã làm với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Đối với phát triển kinh tế địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa và CMCN 4.0, từng địa phương cần tập trung các giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế. Trong đó, bao gồm:

Thống nhất bài toán tái cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; nghiên cứu, ban hành cơ chế ưu tiên, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, đóng góp tích cực cho ngân sách, tạo sự chuyển dịch cơ cấu, phát triển công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ.

Đưa ra cách thức lựa chọn hình thức huy động vốn đầu tư phù hợp với thực tế; đề xuất các giải pháp phát triển du lịch và các giải pháp liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn một cách có hiệu quả.

Để tận dụng cơ hội của CMCN 4.0, theo ông Lê Quốc Phương, Chính phủ cần có ngay chương trình cụ thể hỗ trợ và thúc đẩy các trường học, nhất là các trường ĐH và trung tâm hướng nghiệp đào tạo nguồn nhân lực mạnh trên các lĩnh vực trên. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nhân để họ học hỏi, triển khai ứng dụng thông qua việc đưa những thành tựu, sản phẩm. Quan trọng hơn, Chính phủ cần cam kết hỗ trợ mạnh mẽ như có chính sách miễn, giảm thuế, cho vay ưu đãi.. đối với các DN startup, những người sẽ là nòng cốt của cuộc CMCN 4.0.

Ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, DN, trước hết cần phải hiểu đúng, đầy đủ về CMCN 4.0, những yêu cầu mà DN cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi DN cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng này.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế quốc dân khẳng định, trong quá trình phát triển kinh tế địa phương, chính quyền các tỉnh cần nắm bắt cơ hội do toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và giá trị của cuộc CMCN 4.0 mang lại. Cần đặc biệt coi trọng hiện đại hóa kinh tế trên cả phương diện phát triển kinh tế và quản trị phát triển theo hướng chất lượng và bền vững.

Mỗi tỉnh có đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội khác nhau, do đó các địa phương cần phát huy thật tốt tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của riêng mình để phát triển kinh tế một cách đậm dấu ấn đặc thù theo phương châm có hiệu quả cao và bền vững hơn.

Hoan Nguyễn