Rắc vôi bột khử trùng phôi bịch nấm đã qua sử dụng tại Hợp tác xã sản xuất và chế biến nấm Phúc An, xóm Hoàng Thức, xã Hải Phú.
Từ thực trạng sản xuất ở địa phương cũng như xu thế phát triển chung về lĩnh vực nông nghiệp của huyện, của tỉnh, cả nước, xã Hải Phú đã chủ động xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp xã Hải Phú theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020”. UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể bám sát Đề án, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; vận dụng linh hoạt các nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm…
Hải Phú tuyên truyền, định hướng để người dân dần thay đổi suy nghĩ, cách làm truyền thống; từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất có giá trị hàng hoá theo nhu cầu thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát HTX dịch vụ, các cơ sở việc đôn đốc giải toả kênh mương, vận hành hệ thống cống đập, trạm bơm để phục vụ tiêu úng phục vụ sản xuất kịp thời; thường xuyên tổng kết, đúc rút kinh nghiệm sản xuất, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông theo đúng kế hoạch.
Toàn xã hiện có 287,57ha đất cấy 2 vụ lúa. Bình quân cả năm, năng suất lúa đạt 128,60 tạ/ha, sản lượng thóc là 3.698,1 tấn với giá trị đạt 31,43 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản là 185 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp của xã đã có bước chuyển mạnh mẽ từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa, gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong sản xuất lúa đã cơ giới hóa toàn bộ khâu làm đất, gần 20% khâu gieo cấy và trên 90% khâu thu hoạch. Tỷ lệ lúa chất lượng cao gieo cấy năm 2023 đạt trên 75%, tăng 5,8% so với năm trước với các giống có năng suất cao như: lúa lai, nếp đạt trên 75 tạ/ha, Bắc thơm số 7 đạt 60 tạ/ha… Giống lúa VNR20 được UBND, Ban Nông nghiệp xã triển khai trồng khảo nghiệm trong vụ xuân 2023 tại các xóm; qua theo dõi phát triển tốt, cho năng suất đạt trên 66,7 tạ/ha. Hiện nay có 1 HTX đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trở lên.
Từ năm 2018, HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Phú đã xây dựng được nhiều cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết với quy mô hơn 30ha tập trung tại xóm Trần Hiềng, liên kết một số doanh nghiệp uy tín trên địa bàn trong tỉnh và ngoài tỉnh để cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm chủ lực của xã, giúp đầu ra sản phẩm ổn định, nông dân yên tâm sản xuất. Hàng năm các công ty thu mua trên 265 tấn thóc với giá trị 2 tỷ 385 triệu đồng.
Anh Lâm Văn Thắng, chủ xưởng sấy thóc Thắng Hoa ở đội 4 cho biết: “Bám sát lợi thế địa phương có truyền thống về thâm canh lúa chất lượng cao, thời gian qua, gia đình đã đầu tư thêm 1 lò sấy thóc nâng tổng công suất sấy của xưởng lên 60 tấn thóc. Bình quân mỗi vụ, xưởng gia đình chúng tôi thu mua, sấy và xay xát hơn 500 tấn thóc, gạo các loại cho bà con đảm bảo chất lượng xuất khẩu”.
Bên cạnh đó, mỗi vụ lúa, xưởng cũng ký hợp đồng liên kết hỗ trợ, cung ứng giống, hướng dẫn người dân tiếp cận gieo cấy các loại gạo có giá trị cao được thị trường ưu chuộng phục vụ xuất khẩu như ST25, ST24, gạo Tám Hải Hậu. Cùng với cây lúa, cây màu cũng được nhân dân trong xã phát triển trồng rất đa dạng. Diện tích chuyển đổi trồng được trên 31,4 mẫu; cây vụ đông trên gồ màu và chân 2 lúa có trên 185 mẫu, đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động. Ngoài ra còn có một số hộ trồng cây ăn quả lâu năm, cây hoa hòe cho thu nhập cao, ổn định.
Thông qua khuyến khích người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, hiện tại, xã đã phát triển được 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của HTX sản xuất và chế biến nấm Phúc An ở xóm Hoàng Thức là bột nấm Phúc An và mì nấm Phúc An. Chị Nguyễn Thị Sen, thành viên HTX cho biết: “Mùa sản xuất nấm sạch được bắt đầu từ tháng 7-8 âm lịch và thu hoạch liên tục đến tháng 3-4 âm lịch năm sau. Sản lượng nấm mỗi vụ của HTX đạt 3,5 tấn. Mỗi vụ HTX đầu tư sản xuất hơn 1 vạn bịch nấm. Bình quân các bịch nấm sau 1 tháng cấy phôi có thể cho thu hoạch. Toàn bộ quá trình sản xuất nấm được tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn thực phẩm để có được các sản phẩm nấm sạch. Nấm sau khi thu hoạch được đưa vào phòng sấy lạnh vô trùng để đảm bảo giữ nguyên vẹn chất lượng, hương vị ngọt tự nhiên cũng như bảo quản dài lâu”.
Hiện tại, bột nấm sấy lạnh Phúc An và mì nấm Phúc An được người dân địa phương và các cửa hàng đón nhận bởi tính tiện lợi có thể sử dụng thay thế mì chính cho nhiều món ăn; mì nấm sợi mì dai ngon, không bị nát khi luộc, đun sôi phù hợp bồi dưỡng cho người già, trẻ nhỏ thiếu dinh dưỡng, giá thành phù hợp với người tiêu dùng bình dân. Cả 2 sản phẩm đã được kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, trang web trực tuyến của Zalo, Facebook, Shopee, Lazada…
Thời gian tới, xã Hải Phú tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Thực hiện quy hoạch và các biện pháp thâm canh làm tốt công tác dự báo tình hình sâu bệnh, phòng trừ kịp thời đảm bảo an toàn cho dàn lúa, chú trọng khâu thuỷ lợi đảm bảo cho việc tưới tiêu nước, nhất là trong mùa mưa bão. Xã Hải Phú triển khai sản xuất vụ đông trên chân hai lúa, gồ màu theo vùng đã quy hoạch. Xã phấn đấu bình quân giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt 135 triệu đồng trở lên, từng bước tạo điều kiện cho người dân phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương gắn với tiêu thụ theo chuỗi liên kết./.
Theo Báo Nam Định