Đó là những gì PV ghi nhận được tại khu vực khai thác, sản xuất đá, trộn bê tông asphal và sản xuất gạch bê tông, mỏ đá của Công ty CP Đầu tư Tân Phát (mỏ đá Tân Phát) và Công ty CP Đầu tư xây dựng Bảo Quân (mỏ đá Bảo Quân) khu vực núi con Trâu, xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)...

Xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc): Mỏ đá “tàn phá” nhà dân - Hình 1

 Nứt vỡ nhà cửa nhưng chưa được bồi thường thiệt hại

Người dân phản ánh, gần 20 năm qua, kể từ khi đi vào hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, mỏ đá Minh Quang (còn được gọi là mỏ đá Tân Phát và mỏ đá Bảo Quân) tại núi con Trâu đã làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của dân cư khu vực, đặc biệt là người dân 3 thôn lân cận (thôn Cóc, Xạ Hương và Đầu Vai).

Lợi ích từ “đào sới” tài nguyên, người dân xã Minh Quang hưởng không được bao nhiêu, nhưng hệ lụy – hậu quả từ ô nhiễm môi trường, an ninh và an toàn thì phải gánh chịu rất lớn. Hoạt động từ các mỏ đá gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, làm thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng người dân.

Người dân đã kiến nghị nhiều lần tại nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri các cấp nhưng đến nay, thực trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để, kiến nghị kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Chỉ lên vết nứt tại gian nhà mái bằng được xây kiên cố chống mưa bão của gia đình, bà Trương Thị Đàm, thôn Cóc, bức xúc: “Mỗi lần các mỏ đá nổ mìn là mỗi lần nhà cửa của chúng tôi rung chuyển, cảm tưởng như có thể sập bất cứ lúc nào. Tường nhà tôi là tường 20 (dày 20 cm) được xây với rất nhiều xi măng nhưng cũng không thể chịu nổi, nứt vỡ hết cả…”.

Xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc): Mỏ đá “tàn phá” nhà dân - Hình 2

 Ông Trương Văn Sáu lo lắng trước thực trạng gian nhà của người anh trai

Hướng dẫn chúng tôi vào khảo sát thực trạng nhà của anh trai (ông Trương Minh Thư, nhà cạnh mỏ đá Tân Phát), ông Trương Văn Sáu xót xa: Ở khu này, nhà ai cũng bị nứt lún, người dân đã “kêu” tới nhiều cơ quan, ban, ngành, nhưng không thấy đơn vị nào xuống giải quyết quyền lợi cho bà con. Mọi người còn phải làm ăn - “không lẽ suốt ngày cứ vác đơn đi kiện”. Gian nhà này, anh trai tôi mới xây được 4 năm, nứt lún vỡ đôi như thế này chắc chẳng mấy mà sập. Còn nhà tôi, ở gần đây, phía bên đối diện đường vào mỏ đá, cũng nứt lún, thậm chí khi mưa nước còn tràn cả vào trong nhà!

Hàng trăm ngôi nhà gần 2 mỏ khai thác đá, đều xuất hiện tình trạng tương tự.

11h15 ngày 10/5/2017, phóng viên có mặt tại nhà ông Phùng Xuân Hải, Trưởng thôn Cóc để tìm hiểu thêm về thực trạng phản ảnh của người dân nơi đây. Ông Hải cho biết: Bà con rất bức xúc về hoạt động nổ mìn từ 2 mỏ đá, khi có đoàn kiểm tra về, được thông báo trước thì họ nổ trong giới hạn cho phép nên độ rung chấn là không đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần họ nổ mìn là rất lớn, nổ om sâu dưới lòng đất nên tạo chấn động rất lớn.

Thôn Cóc có 236 hộ dân, chưa thống kê chính thức nhưng theo tôi, phải có tới 40% số hộ trong thôn bị nứt vỡ nhà cửa do nổ mìn khai thác đá. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về thực trạng này, nhưng chưa có bất kể hộ dân nào được các chủ mỏ bồi thường thiệt hại về nhà cửa do rung chấn của nổ mìn khai thác đá gây ra.

Đang trò chuyện, tôi (PV) bỗng giật mình phát hoảng, đầu – tai choáng váng bởi đất dưới nền nhà, bàn ghế, ấm chén và nhà cửa xung quanh rung lắc mạnh kèm một tiếng nổ rất lớn như “sấm dội” - phát ra từ phía các mỏ đá. Phải mất chừng 30 giây mới chấn tĩnh được trở lại. Trưởng thôn Hải phân trần, đây chính là tiếng nổ mìn khai thác đá mà người dân chúng tôi phải chịu đựng hàng ngày gần 20 năm qua. Nghe nhiều, bà con cũng quen, nếu là người ít chứng kiến, sẽ có cảm tưởng như nhà bị sập sau mỗi tiếng nổ phát ra từ các mỏ đá.

Ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sản xuất của người dân

Không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, nhà cửa của người dân, hoạt động của các mỏ đá đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sản xuất của người dân khu vực.

 Xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc): Mỏ đá “tàn phá” nhà dân - Hình 3

 Xe chở vật liệu rơi vãi bụi đá, huỷ hoại đường xá

Năm 2016, quá bức xức, người dân khu vực đã phải tổ chức chặn xe ra vào khu vực các mỏ đá để yêu cầu cấp nước sạch cho dân do nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, giếng đào bị ô nhiễm nghiêm trọng do nổ mìn khai thác đá. Ngày cảng nhiều người qua đời vì mắc phải căn bệnh ung thư quái ác.

Theo người dân, mỗi lần nổ mìn, các mỏ đá sử dụng hàng trăm cân thuốc nổ, nhiều khi tới cả tấn. Thuốc nổ không cháy hết sau mỗi lần nổ (gần 20 năm qua), theo thời gian đã dần tích tụ và ngấm sâu vào lòng đất hoà cùng mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước sử dụng phục vụ sinh hoạt của bà con. Đã có các đoàn về thực hiện công tác kiểm định chất lượng nguồn nước, kết quả đều không đạt tiêu chuẩn để sử dụng.

Ngoài nổ mìn khai thác - sản xuất đá, Công ty Đầu tư & Xây dựng Bảo Quân và Công ty Đầu tư Tân Phát còn làm cả trạm trộn bê tông asphal và xây dựng nhà xưởng sản xuất gạch bê tông trong khu vực mỏ đá.

Người dân bức xúc, trạm trộn asphal tại mỏ đá Bảo Quân hoạt động đã gần 10 năm qua, mỗi khi trạm trộn hoạt động, mùi không thể chịu nổi, họ dùng dầu FO để nấu - trộn nhựa nên mùi khét như cao su cháy, chắc chắn rất độc. Từ khi có trạm trộn này, cây cối trong các thôn lân cận hầu như không đơm hoa, đậu quả, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhà nông. Không hiểu, hoạt động này của họ, có được các cơ quan chức năng cấp phép hay không?

Tiếng nổ mìn khai thác đá, tiếng máy nghiền sản xuất đá gầm rít suốt ngày, gần đây còn thêm cả tiếng của máy dập gạch bê tông có độ rung và ồn rất lớn khiến cuộc sống của bà con nhiều khi ở nhà mà cứ như đang ở công trường xây dựng vậy!

Chỉ cho phóng viên đống đá chất cao ngất của mỏ đá Tân Phát cạnh vườn nhà, ông T.V.N, nhà nằm sát mỏ đá Tân Phát bức xúc: "Trời mưa thì đỡ, nhưng những lúc trời nắng thì bụi bặm kinh khủng, phải đóng cửa cả ngày, cây cối bụi phủ bạc trắng không lớn được. Họ nghiền đá, dập gạch bê tông hầu như không có giờ giấc, có khi làm cả trưa.

Nhà tôi sát mỏ, đá sản xuất xong được chất đống ngay cạnh vườn nhà, tại mỏ này, họ không xây tường rào nên khi đá chất cao hoặc doanh nghiệp xả tràn nước, đá và nước trong mỏ chảy tràn hết cả vào trong đất vườn. Gia đình đang định trồng ít cây đinh lăng để tận thu thêm, nhưng bề mặt vườn toàn đá và sỏi nên việc đào đất để trồng cây chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn".

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dàng - Chủ tịch UBND xã Minh Quang khẳng định: Bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn, nổ mìn gây rung chấn, văng đá vào nhà dân, xe vận chuyển rơi vãi bụi đá làm mất an toàn giao thông… do hoạt động từ các mỏ đá gây ra là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, khi được hỏi về số lượng các hộ dân bị nứt vỡ do rung chấn của nổ mìn gây ra, ông Dàng cho biết: UBND xã chưa thể kết luận được, do chưa tổ chức thống kê, khảo sát và đánh giá thực tế về hiện trạng này.

TH&CL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Dương Tú