Bài 1:  Khu du lịch sinh thái… “ẩn mình”

THCL Nhiều năm qua, việc sử dụng sai mục đích đất rừng, đất khai hoang có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý đất đai. Điển hình, tại Ba Vì, những năm gần đây, thực trạng này đang trở thành một vấn nạn,gây nhức nhối trong dư luận.

Khu du lịch sinh thái bản Xôi nhìn từ trên cao

Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của bạn đọc về một khu du lịch sinh thái không phép, tồn tại gần 10 năm qua, nhưng chính quyền sở tại không có bất kỳ một biện pháp xử lý nào; thậm chí, còn đá “quả bóng” trách nhiệm cho cán bộ tiền nhiệm?

Theo phản ánh, tại thung lũng bản Xôi, làng Chóng, xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội), ẩn mình sau những ngọn đồi, những rừng cây bạt ngàn là một khu du lịch sinh thái dã ngoại, cắm trại không phép được xây dựng trên khu vực đất rừng với diện tích hơn10ha - đang hối hả đi vào hoàn thiện ? Điều đáng nói, những ngôi nhà sàn hoành tráng, những chòi lá, những công trình phụ trợ bên cạnh một hồ nước lớn được xây dựng không phép, không có hồ sơ pháp lý, khu vực này chưa được phê duyệt quy hoạch, nhưng chính quyền sở tại vẫn để tình trạng này kéo dài từ năm 2008 tới nay.

Những dãy chòi lá được xây dựng quanh hồ nước rộng lớn

Theo ghi nhận của PV, hiện có một nhà sàn lớn, cùng những chòi lá được xây dựng từ năm 2007, cùng nhiều hạng mục công trình khác đang được chủ đầu tư xây dựng. Cụ thể, ngày 25/4/2016, chủ đầu tư tiếp tục xây dựng 4 căn nhà sàn mới. Tiếp đó, chủ nhân lại tiếp tục tiến hành xây dựng một khu nhà với chiều dài 18m, chiều rộng 7 m, tổng diện tích 90m2.

Qua tìm hiểu được biết, chủ nhân của Khu du lịch sinh thái dã ngoại thung lũng Bản Xôi là ông Nghiêm Việt Thắng (hộ khẩu thường trú tại C5, tập thể Điện Lực, Văn Quán, Hà đông). Hiện nay, tại khu vực này, tình trạng kinh doanh vẫn diễn ra rầm rộ. Cụ thể, trong trường hợp không đặt ăn uống, chỉ thuê lán ngồi cho 10 người, sẽ phải chi tiền các khoản: phí vào cửa, vệ sinh an ninh 30.000đồng/người, thuê lán  200.000 đồnghoặc nhà sàn nhỏ 400.000 đồng; thuê nhà sàn to nghỉ qua đêm 1.500.000 đồng, bếp âm nướng 300.000 đồng/bếp…


Khu nhà sàn lớn được xây dựng quy mô…

Được biết, khu nhà sàn tại thung lũng bản Xôi được hình thành từ đất khai hoang, sau đó được sang nhượng giữa các cá nhân. Các khu này được xây dựng từ năm 2008, đặc biệt từ năm 2010, là thời điểm cơn sốt đất từ thông tin quy hoạch trục Thăng Long - Ba Vì nên có rất nhiều người từ Hà Nội lên mua để xây dựng khu du lịch.

Còn nhớ, hồi tháng 3/2016, việc một khu resort với 57 căn biệt thự hoành tráng thuộc Khu nghỉ dưỡng điền viên thôn, xã Yên Bài (Ba Vì) được xây dựng không phép, đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước, nhưng chính quyền sở tại làm ngơ khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Khu nghỉ dưỡng này thuộc khu rừng mu, nằm dưới chân núi Ba Vì, diện tích khoảng 4,8 ha. Khi đối chiếu với bản đồ đang lưu giữ tại xã Yên Bài thì phần lớn nguồn gốc đất của khu nghỉ dưỡng nêu trên là đất khai hoang, chỉ có hơn 1 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ dân vào năm 2010.

Trước đó không lâu, tại Vườn Quốc gia Ba Vì đã xuất hiện một resort 4 sao, xây dựng không phép, đã bị báo chí phát hiện, đưa ra ánh sáng. Trong vụ việc này, lý giải nguyên nhân, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì trần tình “do quá nể nang doanh nghiệp" nên bỏ qua sai phạm (?!). Còn chủ đầu tư thì cho rằng do tin tưởng quy hoạch đã được duyệt, các thủ tục sau đó sẽ xong nên "sốt ruột triển khai" (?).

Dư luận băn khoăn: Vì sao việc hàng loạt sai phạm khủng trên đất lâm nghiệp diễn ra rầm rộ tại Ba Vì từ nhiều năm trước, nhưng tới nay mới bị phát hiện? Phải chăng, đó là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương hay là do năng lực quản lý yếu kém?...

Thương hiệu &Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

“Ngày 19/8/2014, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Quốc Hùng đã ký Công văn số 6175 về tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng. Theo đó, địa phương nào để xảy ra sai phạm mà không xử lý kịp thời hoặc để xảy ra các vụ vi phạm nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo địa phương đó và cán bộ thanh tra theo dõi xây dựng địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và cơ quan chức năng phải xem xét đề xuất xử lý trách nhiệm của cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực theo quy định”.

Phan Chinh – Ngọc Linh