Theo chiến lược phát triển giao thông của Hà Nội đến năm 2021, Hà Nội sẽ xây 4 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống theo hình thức BT là cầu Tứ Liên với chiều dài 3km và tổng vốn đầu tư 17.000 tỉ đồng, Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng nối quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm với chiều dài 3km và tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng, Cầu Đuống 2 chiều dài 0,5km và tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, cầu Giang Biên có chiều dài 5,4 km và tổng mức đầu tư trên 8.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý ở thời điểm hiện nay khi 4 cây cầu mới chỉ là những thông tin quy hoạch, giá đất tại khu vực này tăng như thế nào đang là mối quan tâm hàng đầu có giới địa ốc. Đặc biệt, thông tin cầu Trần Hưng Đạo đang được đông đảo người dân sinh sống tại 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên quan tâm. Theo đó, cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; kết thúc tại nút giao cắt với đường Long Biên - Thạch Bàn, quận Long Biên.
Ông Văn Tất Điệp, người dân sống tại phố Tư Đình, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Trong ngõ nó rơi vào tầm 40 triệu/m2, cụ thể những ngõ taxi vào cửa được thì nó rơi vào tầm 45-50 triệu đồng,m2... ở trong làng cũng có những chỗ 60 triệu đồng/m2 cũng có. Cũng con đường Cổ Linh này, rơi vào khu tái định cư kia, nó phải tầm 100 triệu đồng/m2…Ngoại trừ khu vực kia, người ta lấy đất ra làm dự án thì giá trị tương đối cao., khu vực kia khoảng 150-170 triệu đồng/m2”.
Khu vực quận Long Biên, Hà Nội
Ghi nhận tại đường Cổ Linh, chân cầu Trần Hưng Đạo phía quận Long Biên, giá đất hiện nay cũng đạt hàng trăm triệu đồng/m2.
Ông Vũ Xuân Mão, sống tại đường Lâm Du, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Nếu như mà ở ngoài mặt đường thì giá hơn 100 triệu…Đường càng mở mà những người đang ở trong cùng, ra ngoài đường giá đất nó lại lên”.
Cũng theo người dân, giá đất tại đây đã tăng lên khoảng 30% so với trước do có thông tin cây cầu Trần Hưng Đạo đi qua. “So với cách đây 5,6 năm trước thì tăng lên khoảng 30% khu vực đất ở Long Biên…Bên Long Biên khả năng lại thêm 1 cây cầu nữa kết nối từ Hàm Tử Quan, nối liền với ngã tư của Long Biên….chương trình là đất sẽ tăng giá lên rất nhiều”, ông Điệp nói.
Theo dự kiến, cây cầu này sẽ hoàn thành vào năm 2019, thế nhưng, người dân cho rằng, chưa biết bao giờ dự án cầu Trần Hưng Đạo mới được triển khai. Do đó, hiện tại giá đất có tăng nhưng không ghi nhận bất thường. Theo một số chuyên gia, sự tăng giá này là hợp lý, thế nhưng cần phải thận trọng, tránh bài học “đắt giá” từ cầu Nhật Tân, bởi cách đây vài năm, nhiều nhà đầu tư tin tưởng khi cầu Nhật Tân xây xong thì giá đất ở khu vực này sẽ tăng vọt, nên đã bỏ hàng tỷ đồng để gom đất chờ đợi. Nhưng, khi cầu Nhật Tân khánh thành, giá đất ở khu vực này không tăng cao như họ kỳ vọng, nhiều người mắc kẹt, đành ngậm đắng nuốt cay. Bởi thực chất, giá nhà đất nơi đây đã tăng vọt 80-90% thời điểm trước đó vào cơn sốt đất năm 2011.
Trúc Mai