Công văn số 7437/BTC-TCDT của Bộ Tài chính nêu rõ, căn cứ quy định của Luật NSNN, Luật Dữ trữ quốc gia và nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2021 và xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2022, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2022-2024.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch mua tăng, xuất giảm, xuất bán, luân phiên đổi hàng; tình hình xuất cấp cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia (vốn mua hàng, kinh phí chi nghiệp vụ dự trữ quốc gia); đánh giá về mức tồn kho dự trữ quốc gia tại các bộ, ngành và khả năng đáp ứng yêu cầu trong tình huống đột xuất cấp bách.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; sự phối hợp giữa các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia với các bộ, ngành quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với các bộ, ngành có liên quan và với các địa phương trong công tác quản lý và điều hành hoạt động dự trữ quốc gia.

Về kế hoạch, dự toán chi dự trữ quốc gia năm 2022 và 3 năm 2022-2024, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dự trữ quốc gia; căn cứ dự báo tình hình kinh tế - xã hội, dự kiến nhu cầu xuất cấp cứu trợ, hỗ trợ và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch, dự toán chi cho dự trữ quốc gia năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, đảm bảo phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển dự trữ quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào các mặt hàng chiến lược, thiết yếu; ưu tiên các mặt hàng phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bảo Lâm