Tuy gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu, nhưng số lượng hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu-EU còn khá khiêm tốn. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 39 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại thị trường Châu Âu, con số này vẫn còn khá khiêm tốn.
Lý giải điều này tại toạ đàm “Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng thương hiệu tại thị trường EU là một việc không hề dễ dàng. Để làm được việc như thế này doanh nghiệp cần phải có những bước đi hết sức bài bản, những chiến lược khôn ngoan.
EU là một thị trường có những đòi hỏi, quy định rất khắt khe, những tiêu chuẩn rất cao đối với các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Sản phẩm cần phải có giấy chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn của EU, đáp ứng những tiêu chuẩn như môi trường, xã hội, phát triển bền vững... Cần phải đồng nhất về chất lượng giữa các lô hàng mới giữ được uy tín của doanh nghiệp đối với các đối tác nhập khẩu tại EU.
Để phát triển được thương hiệu với thị trường EU, điểm hết sức quan trọng đầu tiên là các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu thật kỹ về thị trường. Xem thị trường đó có nhu cầu như thế nào, có những yêu cầu ra sao để sản xuất được những sản phẩm mà thị trường EU cần chứ không phải bán những cái sản phẩm mà chúng ta có.
Bên cạnh đó, theo bà Thuỷ, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy kinh doanh với thị trường EU. Đó là phải thấu hiểu văn hóa của thị trường EU, thấu hiểu các tập quán kinh doanh của khối thị trường này và cần phải thay đổi một tư duy bán hàng. Tư duy bán hàng ở đây là bán hàng cho người tiêu dùng Châu Âu chứ không phải là bán hàng cho đại bộ phận các khách hàng nói chung.
Đồng thời, cần mạnh dạn đa dạng hóa các cái sản phẩm mà thị trường có nhu cầu, thay vì việc chỉ tập trung ở những số lượng hữu hạn, các sản phẩm mà chúng ta đang có. Việc quyết định doanh nghiệp có thành công trong phát triển thương hiệu tại thị trường EU hay không phụ thuộc vào việc chúng ta phải phát triển được sản phẩm phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường EU.
Song ngoài việc hợp nhãn với người tiêu dùng EU, sản phẩm cũng cần mang những bản sắc của Việt Nam để giúp cho việc định vị thương hiệu, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt tốt hơn ở thị trường EU.
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cũng thừa nhận, người Đức không hề biết rằng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất trên thế giới trong khi những gói cà phê họ sử dụng hàng ngày hầu như đều được xuất thô từ phía Việt Nam.
Cùng quan điểm với bà Thuỷ, bà Trang phân tích, ngoài việc đảm bảo về mặt chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cho sản phẩm… chúng ta phải hiểu và phải có được chiến lược phát triển thị trường một cách bài bản như marketing, truyền thông.
“Người Đức rất kỹ tính nhưng họ lại cũng rất trung thành với các sản phẩm có thương hiệu và họ có nhu cầu rất cao tìm hiểu về sản phẩm đấy được sản xuất ở đâu, có thực sự an toàn không, có thực sự thân thiện với môi trường không, có yếu tố về bảo vệ người lao động trong quá trình sản xuất?... Thậm chí bao bì, cách đóng gói cũng phải thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu này cũng là một cách chinh phục được người tiêu dùng ở Đức”, bà Trang chia sẻ.
Muốn sản phẩm được nhiều người tiêu dùng EU biết đến, doanh nghiệp cần tìm kiếm những đối tác uy tín ở thị trường EU để giới thiệu và lan tỏa thương hiệu sản phẩm. Trước mắt là hệ thống các doanh nhân Việt kiều tại EU. Đây là một kênh rất tốt giúp hàng hóa của Việt Nam có thể đi nhanh hơn vào thị trường của EU, do các doanh nghiệp Việt kiều rất hiểu văn hóa tiêu dùng, văn hóa kinh doanh tại đây.
Kênh thứ hai là các chuyên gia về thị trường tại EU. Chúng ta nên sử dụng dịch vụ của những chuyên gia này để họ có những biện pháp, những cách thức hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu hàng hóa của mình đến với thị trường của EU.
Bà Thủy chia sẻ kinh nghiệm: “Trong ngắn hạn, việc đưa những sản phẩm mang thương hiệu riêng là rất khó để vào thị trường EU. Nên doanh nghiệp có thể tập trung vào chiến lược làm các mặt hàng OEM (sản xuất theo yêu cầu), khi đã làm OEM tốt, đã có những đối tác ở thị trường EU, doanh nghiệp khi đó có đủ lực để tính tiếp được những biện pháp đưa các mặt hàng mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp vào thị trường EU”.
Đặc biệt, khi hiện nay các kênh, mạng xã hội cũng rất nở rộ và phát triển mạnh mẽ ở thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng những kênh này để quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình tại EU, giúp cho việc xúc tiến xuất khẩu cũng như phát triển được thương hiệu của doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, nêu ý kiến ngoài chuyện bỏ tiền để tìm hiểu, bỏ tiền nghĩ ra cách để thâm nhập vào thị trường thì các doanh nghiệp cần phải có sự hiện diện tại đây.
“Không phải có văn phòng đại diện thương mại ở EU thì ít nhất phải có sự hiện diện về người đại diện. Làm thương hiệu mà không có bất cứ ai ở bên này thì là điều viển vông. Chúng ta không thể đi theo các tập đoàn nghìn tỷ, tập đoàn triệu đô của quốc tế để phát triển thương hiệu. Chúng ta bắt đầu nhỏ bằng cách thông qua các cơ quan Thương vụ là tai mắt nằm tại các thị trường nước ngoài để phát triển. Nhưng nếu chỉ thông qua Thương vụ để xây dựng thương hiệu thì chỉ phù hợp tại thời điểm hiện nay”, ông Sơn lưu ý.
Doanh nghiệp cần hiểu, việc đưa hàng Việt Nam xuất khẩu vào thế giới bằng thương hiệu của Việt Nam, bán cho người bản địa là một quá trình xuất khẩu bền vững mà chúng ta cần phải hướng đến.
Thạch Thảo (t/h)