1. Xe của đơn vị sự nghiệp còn niên hạn sử dụng có bán thanh lý được không?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Theo đó, xe của đơn vị sự nghiệp được xác định là tài sản công.
Căn cứ khoản 1 Điều 51 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, việc thanh lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 45 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017. Theo đó:
(i) Tài sản công được thanh lý trong các trường hợp sau đây
- Tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật.
- Tài sản công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả.
- Nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(ii) Tài sản công được thanh lý theo các hình thức sau đây:
- Phá dỡ, hủy bỏ. Vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ tài sản được xử lý bán.
- Bán.
Như vậy, trong trường hợp xe của đơn vị sự nghiệp công lập chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa được thực hiện nhưng không đem lại hiệu quả thì vẫn có thể tiến hành thanh lý đối với tài sản công nói trên.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
[TIỆN ÍCH] Tra cứu Công việc pháp lý trang PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP |
[TIỆN ÍCH] Mẫu văn bản nâng cao (hướng dẫn ghi & tải về các mẫu đơn) |
Xe của đơn vị sự nghiệp còn niên hạn sử dụng được bán thanh lý nếu bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
2. Ai có thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công?
Căn cứ khoản 2 Điều 51 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công được quy định như sau:
(i) Đối với tài sản công là nhà làm việc, công trình sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô, tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
(ii) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định thanh lý đối với các tài sản khác.
3. Hồ sơ thanh lý tài sản công bao gồm những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 29 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản gồm:
(i) Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công (trong đó nêu rõ trách nhiệm tổ chức thanh lý tài sản; dự toán chi phí sửa chữa tài sản trong trường hợp xác định việc sửa chữa không hiệu quả): 01 bản chính.
(ii) Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính.
(iii) Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (chủng loại, số lượng; tình trạng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; lý do thanh lý): 01 bản chính.
(iv) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn có liên quan về tình trạng tài sản và khả năng sửa chữa (đối với tài sản là nhà, công trình xây dựng chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được): 01 bản sao.
(v) Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị thanh lý tài sản (nếu có): 01 bản sao.
H. Thủy (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)