Xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ: Luật sư nêu vấn đề xem xét sai phạm của các nhà mạng - Hình 1

 Luật sư Trần Hồng Phúc 

Nhà mạng hưởng lợi gần 1.000 tỷ đồng

Cơ quan tố tụng cáo buộc đường dây tổ chức đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) cầm đầu, xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành có sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan được Nhà nước giao đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen... các đối tượng thuộc nhóm vận hành game đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại, theo đó đã lôi kéo được 42.950.805 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến.

Tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là gần 10.000 tỷ đồng nên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Cáo trạng xác định các nhà mạng viễn thông đã nhận lợi nhuận gần 1.000 tỷ đồng từ đường dây đánh bạc này.

Tại phiên tòa xét xử vụ án nghìn tỷ ngày 17/11/2018, VKS đã công bố các văn bản trả lời của Bộ Thông tin truyền thông, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước trên màn hình lớn.

Ngạc nhiên ở chỗ, các văn bản trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Công Thương, Ngân hàng Nhà nước được VKS công bố trước Toà, cả ba bộ, ngành liên quan này, đều từ chối trách nhiệm quản lý phần thanh toán của thẻ cào. Bộ TTTT cho rằng việc cho phép sử dụng thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông để thanh toán cho dịch vụ game bài RikVip/Tip.Club thuộc phạm vi của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công thương. Còn Bộ Công thương lại khẳng định việc cung cấp phạm vi sử dụng, thẩm quyền cấp phép và trách nhiệm quản lý đối với thẻ cào viễn thông, thẻ game là "lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ TTTT". Ngân hàng Nhà nước thì gửi công văn cho rằng, họ chỉ quản lý thẻ ngân hàng.

Việc "trái bóng" thẻ cào bị chuyền qua lại giữa các bộ cho thấy vấn đề đầu tiên của câu chuyện, là pháp luật đã không tường minh. Hệ thống luật pháp về dịch vụ thông tin và ngân hàng đã bỏ lọt hoàn toàn hình thức thanh toán này. Cho đến nay, vẫn không có bất kỳ quy định nào đối với việc thanh toán thông qua các loại thẻ cào. Thực tế, vẫn đang có nhiều dịch vụ được thanh toán bằng thẻ cào mà không thấy cơ quan nào lên tiếng. Còn người dân và doanh nghiệp thì chỉ biết dựa vào nguyên lý cơ bản lâu nay: cái gì không cấm thì được làm.

Khi sự đã rồi, cần phải có thái độ ứng xử rõ ràng, thì các cơ quan lại không phân định được nhiệm vụ và quyền hạn quản lý nhà nước. Vì vậy, bên nhà mạng thì khăng khăng chỉ quản lý thẻ nạp chứ không quan tâm đến việc vi phạm hay không vi phạm các quy định thanh toán; còn phía ngân hàng thì chỉ quản lý hoạt động thanh toán chứ không quan tâm đến việc quản lý thẻ cào, vì nó không phải là phương tiện thanh toán.

Nếu mỗi bên khăng khăng "ôm" một cái lý như vậy, khó mà tránh khỏi tình trạng nhà mạng thì vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng, còn các tổ chức tín dụng thì vi phạm Luật Phòng chống rửa tiền. Khi lỗ hổng to tướng ấy chưa được lấp, thì người dân, doanh nghiệp tiếp tục không biết thế nào là đúng, sai và khi nào mình có thể vi phạm các tội về an ninh trật tự xã hội như đánh bạc, rửa tiền, vi phạm hoạt động ngân hàng...

Luật sư nêu vấn đề xem xét sai phạm của các nhà mạng

Sáng nay (22/11), tại phần tranh tụng của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương, luật sư Trần Hồng Phúc cho biết, trong vụ án này, đại đa số người chơi bạc sử dụng hình thức thẻ cào viễn thông để đăng nhập vào hệ thống trò chơi do Công ty Nam Việt quản lý để đổi lấy rik (tiền ảo trong game) chơi.

Do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng để cho công ty trung gian thanh toán kết nối với nhà mạng nhằm gạch thẻ, điều đó chứng minh nhà mạng đang thu mua lại chính thẻ do mình phát hành ra.

"Nếu các nhà mạng không cho phép gạch thẻ cào viễn thông của mình thanh toán cho các dịch vụ game thì không có việc dùng thẻ điện thoại đổi rik chơi game. Nhà mạng chỉ có thể cho gạch thẻ vào dịch vụ viễn thông của chính nhà mạng, nay lại cho thanh toán nội dung", bà Phúc lập luận, và cho rằng nếu không có việc gạch thẻ này thì người chơi không đánh bạc được và không có vụ án ngày hôm nay.

Luật sư Phúc cũng tranh luận với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ khi đại diện cơ quan giữ quyền công tố cho rằng, các cổng trung gian thanh toán như của CNC là để “nuôi sống con game”.

"Chúng tôi cho rằng các cổng này không nuôi sống được, sẽ chết nếu không cho gạch thẻ cào viễn thông", bà Phúc khẳng định, và nói thêm cổng gạch thẻ của CNC có thể chết nhưng con game vẫn sống vì còn hình thức kênh nạp tiền khác: nạp qua ngân hàng, qua đại lý, qua công thanh toán quốc tế và tất cả đều do VTC online kết nối, Nam Việt quản lý. Bản chất cổng CNC chỉ là cổng chuyển tiếp gạch thẻ, do không kết nối trực tiếp với nhà mạng nên không gạch thẻ được.

Theo luật sư Phúc, việc sau khi vụ án bị khởi tố, các nhà mạng đã dừng dịch vụ thẻ cào thanh toán trực tuyến, đã chứng minh các nhà mạng đã nhận thấy lỗi sai của mình.

"Nếu đúng, nếu phát triển dịch vụ kinh doanh của mình, tại sao các nhà mạng phải dừng?", bà Phúc nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, luật sư Phúc cho rằng, tại hội nghị giao ban quản lý tháng 4/2018 vừa qua của Bộ TTTT, Cục Viễn thông được yêu cầu phải hoàn thành đề án quản lý thẻ cào di động trong thanh toán dịch vụ nội dung số và báo cáo lãnh đạo Bộ trước 15/5/2018. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng về biện pháp quản lý thẻ cào di động.

"Quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông có những lỗ hổng, khiếm khuyết và cơ quan quản lý Nhà nước phải đi vào hoàn thiện hành lang pháp lý, mà cụ thể là các biện pháp quản lý thẻ cào", bà Phúc nói, và cho rằng đây là tình tiết cần xem xét khi đánh giá hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Dương.

 Hoan Nguyễn