(TH&CL) Luật Đất đai (sửa đổi) 2013 có nhiều điểm tiến bộ về thu hồi đất, tạo ra sự công bằng trong tiếp cận đất đai giữa các DN, đồng thời hạn chế được việc thu hồi đất vô tội vạ dưới danh nghĩa phát triển kinh tế như trước đây. Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia về nội dung của Luật Đất đai 2013 vừa được Quốc hội thông qua.

Cần “mềm hóa” cơ chế thu hồi đất

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, điểm tiến bộ của Luật Đất đai về thu hồi đất là dù có thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội thì cũng đều phải có mũ chung là "vì lợi ích quốc gia, công cộng". Cụ thể, khác với tiêu chí của Luật Đất đai 2003, luật mới quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.

Theo đó, Nhà nước không ra quyết định thu hồi đất cho nhóm dự án có vốn được đầu tư lớn thuộc nhóm A và dự án có 100% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). "Nhà nước chỉ thu hồi theo tính chất dự án chứ không theo phân loại đầu tư, tức là không thu hồi cho các "đại gia", GS. Đặng Hùng Võ bình luận. Điều đó tạo ra sự bình đẳng trong tiếp cận đất đai giữa các DNVVN và DN lớn, bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

TS. Hoàng Mạnh Quân, Giám đốc tổ chức điều phối của Liên minh đất rừng (FORLAND) cho rằng, việc thu hồi đất, cưỡng chế, Nhà nước vẫn đang dùng sức mạnh của mình để thực hiện, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Do đó, các nghị định cần làm "mềm" đi quy định này.

Về điều này, GS. Đặng Hùng Võ bày tỏ, quy chế thu hồi đất chỉ có thể được “mềm hóa” khi cơ quan chịu trách nhiệm thu hồi phải công khai, minh bạch hóa thông tin. Đồng thời, ông đề xuất cần đưa ra một quá trình để tạo đồng thuận trong dân (thảo luận với dân, phổ biến thông tin để người dân hiểu được lợi ích trực tiếp, gián tiếp từ dự án) khi có quyết định về thu hồi đất, hạn chế việc cưỡng chế.

"Tôi cho rằng, nếu làm được như thế thì câu chuyện thu hồi đất sẽ hoàn toàn khác và không bao giờ dẫn đến cưỡng chế. Nhà nước có thể cưỡng chế nếu việc sử dụng đất vi phạm an ninh quốc gia. Nhưng trong mối quan hệ đất đai dân sự thì không nên”, ông Võ nêu ý kiến.

Thu hồi đất dự án “treo” dễ bị lợi dụng

Về việc xử lý các dự án đang bị “treo” GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, tình trạng dự án “treo" đang gây tâm lý bức xúc từ nhiều phía. Người bị thu hồi đất thì bất bình vì đất thu hồi rồi nhưng vẫn để không mà mình thì không có việc làm và thu nhập. Còn về phía nhà quản lý thì thấy việc sử dụng đất không hiệu quả.

Để tháo gỡ khó khăn trên, Luật Đất đai sửa đổi quyết liệt hơn khi quy định nếu dự án để bị "treo" thì cho gia hạn thêm 24 tháng nhưng phải nộp thêm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian gia hạn. Nếu sau khi gia hạn mà vẫn bị “treo" tiếp thì thu hồi cả đất và mọi tài sản đã đầu tư trên đất.

Tuy nhiên, GS. Võ lại quan ngại, ngay cả khi nhà nước có quyết tâm thu hồi đất của các dự án treo thì cũng không phải là hợp lý. Theo ông, Luật Đất đai không nên đặt vấn đề thu hồi đất đối với các dự án treo, vì như thế sẽ thiệt hại cho cả nhà nước, DN lẫn người dân có đất bị thu hồi trước đó. Bởi nhiều nơi chính quyền không biết xử lý như thế nào sau khi thu hồi đất, hậu quả là đất lại tiếp tục bị bỏ hoang. Chưa kể, cơ chế thu hồi không trả lại tiền đầu tư rất dễ bị lợi dụng, đẩy nhà đầu tư đến chỗ sạt nghiệp.

GS. Võ đề xuất: “Để giải quyết tình trạng dự án treo, thay vì thu hồi đất của các dự án này, Nhà nước nên đánh thuế việc chậm đưa vào sử dụng với mức thuế suất rất cao. Làm như vậy, buộc các chủ đầu tư phải tính toán ngay từ đầu và có kế hoạch triển khai dự án”. Ngay cả khi dự án bị chậm, các chủ đầu tư vẫn có thể cân nhắc có nên tiếp tục đóng thuế để duy trì quyền sử dụng đất hay không hoặc chuyển nhượng dự án cho đối tác khác.

“Nếu làm như vậy, Nhà nước vừa không phải lo việc dự án bị bỏ hoang mà cũng không phải bận tâm việc tìm nhà đầu tư khác để giao đất sau khi thu hồi của chủ cũ. Chỉ với những dự án vi phạm mới thu hồi. Còn các dự án chậm triển khai, nhà nước nên đánh thuế thật cao và cho họ tiếp tục làm chủ quyền sử dụng đất”, ông Võ kiến nghị.

An Hà