Đó là những nhận định của Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu năm 2022 và kế hoạch cần phải thực hiện trong năm 2023 nhằm duy trì sự tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới. 

Dự báo xuất siêu đạt 10-12 tỷ USD

- Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó có hoạt động xuất, nhập khẩu. Bà có thể phân tích rõ hơn về những tác động này?

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Cẩm Trang
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Cẩm Trang.

- Từ tháng 03/2022 đến nay, kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng, sức cầu hàng hóa giảm. Ngoài ra, xung đột quân sự trên thế giới diễn ra khiến chuỗi cung ứng trên thị trường tiếp tục bị đứt gãy, đặt ra nhiều rủi ro về nguồn cung nguyên liệu, bảo đảm an ninh năng lượng. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt với các nguyên, vật liệu trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

- Dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng ấn tượng. Theo bà, những điểm sáng của hoạt động xuất khẩu 11 tháng qua là gì?

- Tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 được duy trì, trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn. Nhờ đó, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá. Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2022 ước đạt 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021; xuất siêu ước đạt 10,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch tích cực. Kim ngạch nhóm hàng công nghiệp, chế biến ước đạt 294,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu chung.

Ảnh Phương Hằng
Ảnh Phương Hằng.

Tất cả các thị trường đều phục hồi so với năm 2021. Trong đó, các thị trường là đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có tăng trưởng ở mức cao, như: Liên minh Châu Âu (EU) tăng 23,5%; khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%…

- Xin bà cho biết kết quả nêu trên có được là do đâu? Trong đó, Bộ Công Thương đã đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn như thế nào?

- Kết quả trên có được nhờ khả năng thích nghi, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp; nhờ các bộ, ngành đồng hành tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy thực thi hiệu quả các FTA đã ký kết. Xuất khẩu tăng cao thể hiện tính đúng đắn, kịp thời của chủ trương “bình thường mới”, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 để sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội phục hồi của thị trường thế giới.

Trong đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh khai thác các FTA, phổ biến, triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung. Bộ cũng tăng cường kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Điểm mới nữa là Bộ đã định kỳ tổ chức hội nghị giao ban giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

- Bà dự báo thế nào về kết quả xuất khẩu của cả năm 2022?

- Trong quá trình điều hành, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu đạt kết quả tích cực. Dự báo xuất khẩu cả năm 2022 vượt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra (chỉ tiêu là hơn 8%), có thể đạt 372-374 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2021, đồng thời khả năng xuất siêu cả năm có thể đạt 10-12 tỷ USD.

Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

- Trước những thách thức có thể còn tiếp diễn trong năm 2023, theo bà, bài học kinh nghiệm để hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục vượt khó là gì?

- Năm 2023, những biến động của kinh tế thế giới có thể tiếp diễn, do đó các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất, nhập khẩu của Việt Nam, để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp. Đồng thời, việc thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới; chính sách, quy định mới của các quốc gia là thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam tiếp tục được tăng cường, để giúp doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

Những sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Ảnh internet
Những sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Ảnh internet.

Ngoài ra, tôi cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác các lợi thế từ FTA và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu… Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới. Các hiệp hội, ngành hàng cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

- Với những kết quả đã đạt được cùng kinh nghiệm mà chúng ta đã có, bà kỳ vọng gì về hoạt động xuất, nhập khẩu trong năm 2023?

- Dự báo, khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như diễn biến xung đột trên thế giới, tình hình kiềm chế lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các nước lớn, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn…

Mặc dù vậy, các FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tích cực sẽ tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu. Hy vọng rằng, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các FTA để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023.

- Để xuất, nhập khẩu Việt Nam đạt những kết quả vững chắc hơn nữa trong những năm tiếp theo, chúng ta cần tháo gỡ những nút thắt nào, giải pháp cụ thể ra sao, thưa bà?

- Xuất khẩu trong thời gian qua tăng trưởng nhanh nhưng còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững về cơ cấu thị trường, cơ cấu mặt hàng, chủ thể tham gia. Nói cách khác, xuất, nhập khẩu phát triển bền vững phải dựa trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng...

Mặt khác, phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa phải gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, sản xuất xanh - sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, phát triển xuất, nhập khẩu phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương.

Bộ Công Thương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động triển khai Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Hà Nội mới