Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Xuất khẩu nông sản năm 2024 - Kỷ lục mới, vị thế mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng 19/12/2024.

Theo đó, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Trong số đó, xuất khẩu nông sản chính gần 33 tỷ USD, tăng 23,1%; chăn nuôi 525 triệu USD, tăng 4,8%; lâm sản chính 17,2 tỷ USD, tăng 18,9%; thủy sản 9,9 tỷ USD, tăng 10,3%. Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 1 sản phẩm so với năm 2023).

Với thành tích đạt được, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá: Đây là những con số rất ấn tượng, phản ánh cả quá trình sản xuất, mở cửa, chinh phục thị trường chứ không chỉ trong một vài năm. Để có được kết quả này, ngoài đóng góp của các sản phẩm mới mở thị trường còn là sự khẳng định về sự đáp ứng tốt thị trường nhập khẩu của nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó là nhận thực của đơn vị xuất khẩu khi tuân thủ các quy định trong việc tuân thủ, đưa sản phẩm ra thị trường.

Đối với nhóm nông sản, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Nhiều ngành hàng đã có sự chuẩn bị, hướng đi cả chục năm trước. Với trái cây, năm 2024, ngành đã có kế hoạch sản xuất rải vụ với nhiều loại cây ăn quả chính như: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng… Nhờ đó, nay Việt Nam có trái cây xuất khẩu quanh năm, điển hình như sầu riêng. Riêng về lúa gạo, năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn. Lúa gạo Việt Nam đã có sự chuyển đổi hiệu quả sang lúa chất lượng cao. Trước đây, giá gạo Việt Nam xuất khẩu luôn ở mức thấp và thấp Thái Lan. Nhưng năm nay, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam đã vượt cả Thái Lan.

Đối Với thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, đạt được giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD có sự đóng góp lớn của mặt hàng tôm khi mang về 4 tỷ USD, tăng gần 17% so với năm 2023. Tiếp đó là Việt Nam đã tận dụng tốt hạn hạn ngạch để xuất khẩu cá ngừ sang EU.

Nhìn lại sau 20 năm ngành thuỷ sản hội nhập, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, có sự thay đổi đáng kể, ngoài việc phải đảm bảo an toàn thực phẩm, để đưa thủy sản sang thị trường lớn nay phải có những chứng nhận tự nguyện, chứng nhận bền vững, đó là trách nhiệm với môi trường, xã hội. Các yêu cầu này là của hầu hết người mua hàng, giới bán lẻ. “Triển vọng năm 2025 của xuất khẩu thủy sản rất khả quan, với tăng tưởng sẽ từ 10-15%. Tiền đề cho tăng trưởng đó là các tín hiệu tốt từ thị trường, chính sách tín dụng ưu đãi cho thủy sản và lâm sản. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất, xuất khẩu trong năm tới”, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.

d
Năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong xuất khẩu nông lâm thủy sản nhưng Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng cho biết, năm 2024, các thị trường nhập khẩu cũng liên tục có những thông báo thay đổi các quy định về an toàn thực phẩm. Việt Nam muốn xuất khẩu cao không chỉ dựa vào số lượng, mà là chất lượng sản phẩm. Thị trường liên tục thay đổi quy định nhưng nông sản Việt Nam đã vào cuộc kịp thời. Hầu hết các doanh nghiệp, nông dân đều đáp ứng tốt. Cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người sản xuất thay đổi để đáp ứng được các quy định trong sản xuất, xuất khẩu.

"Nông nghiệp Việt Nam đã cố gắng về sản lượng nhưng không thể bỏ quên chất lượng. Hai vấn đề này phải luôn song song với nhau. Nếu chúng ta cứ mải mê tăng trưởng, không cẩn thận lại rơi vào bẫy chạy theo sản lượng", ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Năm 2024, ngành nông nghiệp thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đặc biệt, là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất.

Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới.

PV (t/h)