Hiện nay, doanh nghiệp đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề về cạnh tranh thị trường, các biện pháp bảo hộ thông qua những hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn ở các thị trường nhập khẩu.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với 272,8 triệu USD trong tháng 8/2018 và gần 2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ hai là Mỹ với lượng rau quả nhập khẩu từ Việt Nam đạt 12,8 triệu USD trong tháng 8, tăng gần 5% so với tháng trước đó.
Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt giữ vị trí 3 và thứ 4, tuy nhiên trị giá xuất khẩu rau quả sang hai thị trường này lại có sự sụt giảm trong tháng 8.
Ảnh minh họa
Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc chỉ đạt 9 triệu USD, giảm gần 8% so với tháng 7/2018. Còn xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản cũng chỉ đạt 8,5 triệu USD, giảm 2,4%. Tính chung trong 8 tháng năm 2018 thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc vẫn tăng 21,4%, còn Nhật Bản giảm 7,4%.
Đáng lưu ý, trong số các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu rau quả thì xuất sang Campuchia có mức tăng trưởng cao nhất. Theo đó, trong 8 tháng năm 2018, xuất khẩu mặt hàng này sang Campuchia đạt 2,1 triệu USD, tăng đến 401% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Kuwait cũng có sự tăng trưởng ấn tượng với 94,3% so với cùng kỳ, đạt 2,29 triệu USD.
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu nhiều rau quả sang các thị trường khác như Australia (tăng 36%); Thái Lan (tăng 37,9%); Pháp (tăng 43,47%)...
Ngược lại, xuất khẩu mặt hàng này sụt giảm mạnh ở các thị trường như Indonesia (giảm 82,9%); Ukraine (giảm 26%); Đài Loan (giảm 12,6%)...
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 8/2018 đạt 362,84 triệu USD, tăng 5% so với tháng 7/2018 và tăng 12,6% so với tháng 8/2017.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 2,69 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ngọc Linh