Theo Bộ Công Thương, dự kiến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.
“Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ bảy liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các Kế hoạch 05 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Công Thương thực hiện hiệu quả, cơ cấu ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm.
Ngành Công Thương đặt mục tiêu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 8-9% so với năm 2022; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8-9% so với năm 2022.
Lê Xuân (t/h)