Với mức cho vay tối đa của chương trình này là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 8,25%/năm, trong 5 năm qua, đã có trên 1,4 triệu lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng doanh số cho vay đạt gần 62.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này tập trung ưu tiên cho các hộ mới thoát nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Việc kéo dài thời gian cho vay đối với hộ mới thoát nghèo là nhằm giải quyết triệt để vòng luẩn quẩn: nghèo- vay vốn- thoát nghèo- trả vốn, song lại tái nghèo. Đồng thời, chính sách này cũng nhằm thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cả nước cần triển khai phong trào mới. Đó là, "mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình", với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Để giảm nghèo bền vững, đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề, tạo điều kiện thông thương là con đường căn bản để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên. Đồng thời, cần quan tâm đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ thành giải pháp cơ bản để nhanh chóng đạt được mục tiêu giảm nghèo ở các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới.
Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo.
Trúc Mai