Dân mong muốn được “danh chính nhà đất”
ÔngTrần Phúc Đường (số nhà 44, tổ 16, là một CCB - bệnh binh hạng 2) cùng các hộ dân phản ánh, khu đất hiện nay 16 hộ dân đang sinh sống có nguồn gốc do HTX xã Hạ Đình, huyện Thanh Trì (cũ) giao cho các xã viên canh tác. Năm 1992, các hộ dân sang nhượng, mua bán tay với nhau và tự chuyển đổi sang đất ở, xây dựng nhà cửa cao từ 1 đến 4 tầng và sinh sống ổn định liên tục từ đó đến nay.
16 hộ dân tổ 16, phường Thanh Xuân Trung đã về đây ở, có hộ khẩu thường trú hàng chục năm về trước.
Ông Trần Phúc Đường và các hộ dân cho rằng: Căn cứ Luật đất đai (2003 và 2013) và các văn bản hướng dẫn thi hành, đất của họ đã ở ổn định trước ngày 15-10-1993 thì có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và mức nộp thuế là 40% đơn giá đất thành phố qui định. Tại thời điểm năm 2003 - 2004, một số hộ dân tổ 16 và tổ 15, 17… đã được cấp sổ đỏ. Các hộ dân còn lại sau đó tiến hành kê khai, nhưng chỉ thấy một số hộ được cấp.
Tháng 3-2017, UBND Quận Thanh Xuân tiếp tục phát cho các hộ dân tờ kê khai để làm sổ đỏ. Trong tờ kê khai Văn phòng ĐKĐĐ Hà Nội chi nhánh quận Thanh Xuân xác nhận về nguồn gốc đất, cụ thể: Thời điểm sử dụng đất vào mục đích đăng ký: Trước 15-10-1993; Thời điểm tạo lập tài sản gắn liền với đất: Trước 15-10- 1993; Tình trạng tranh chấp đất đai, Tài sản gắn liền với đất: không tranh chấp; Sự phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất: Không phù hợp với Quy hoạch đất ở, nằm trong Quy hoạch đất hỗn hợp (theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-2).
Khi nhận được thông tin trên hầu hết các hộ dân vô cùng lo lắng bởi họ có nguy cơ sẽ bị tước đi quyền lợi chính đáng. Bởi, tại Điểm 1 Điều 22, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai thì đất ở không phù hợp Quy hoạch nhưng đã sử dụng từ trước thời điểm Quy hoạch được phê duyệt hoặc có Quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND cấp huyện, thị thì người sử dụng đất vẫn được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo pháp luật quy định... Bên cạnh đó, các hộ dân cho biết quy hoạch phân khu đô thị H2-2 được phê duyệt ngày 2-12-2015, (tức là sau 23 năm người dân đã mua bán chuyển đổi) nên việc ghi trong Giấy xác nhận đăng ký đất đai của chính quyền như nêu trên là không đúng.
Bản vẽ tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500, bản vẽ chưa có xác nhận của Sở qui hoạch kiến trúc Hà Nội
Vì vậy, người dân tổ 16 mong muốn đề nghị các cấp chính quyền TP. Hà Nội tiếp tục xem xét lại việc cấp sổ đỏ. Đồng thời cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thành phố trả lời cụ thể bằng văn bản về trường hợp có được cấp hay không được cấp sổ đỏ khu vục này.
Doanh nghiệp “mập mờ liên kết” chiếm đất của dân?
Một điểm đáng chú ý là trong quá trình đề nghị cấp sổ đỏ thì không hiểu sao lại xuất hiện Dự án Trung tâm thương mại văn phòng Nhà trẻ và nhà ở chung cư tại khu đất Hồ Cửa Quán, nằm ở phía trước khu dân cư (trong dự án ghi là Ao Cây Dừa) do công ty TNHH Bảo Tín - Sơn Tùng (đơn vị được HTX Dịch vụ Hạ Đình ủy quyền) xin đầu tư?
Đáng chú ý, đầu năm 2018, UBND phường Thanh Xuân Trung mới tổ chức một số cuộc họp và gửi phiếu lấy ý kiến của cộng đồng dân cư xung quanh dự án. Lúc này người dân mới biết đến việc Công ty Bảo Tín - Sơn Tùng đã vẽ cả khu đất của 16 hộ dân vào bản vẽ Quy họach dự án?.
Tại bản vẽ tỷ lệ 1/500 do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ANKICO lập năm 2017 làm căn cứ để Công ty Bảo Tín Sơn Tùng trình xin Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội chấp thuận về tổng mặt bằng dự án (bản vẽ chưa có xác nhận của Sở qui hoạch kiến trúc Hà Nội) mà người dân có được, cho thấy bản vẽ là cực kỳ vô lý, nó có nguy cơ xâm phạm đến quyền và lợi ích của các hộ dân. Khu vực này theo qui hoạch của Thành phố năm 2015, thuộc ô qui hoạch có kí hiệu K8-3, với mật độ xây dựng tối đa 50%; tầng cao công trình tối đa 45 tầng.
“Nếu đề xuất như vậy thì người dân tổ 16 sẽ hoàn toàn mất đi quyền pháp lý về tài sản và không bao giờ được cấp sổ đỏ hay chuyển nhượng, thừa kế. Trong khi đó, chính phía Công ty Bảo Tín - Sơn Tùng tại các buổi họp lấy ý kiến nhân dân lại nói với người dân là dự án không xây dựng vào khu đất của dân” - Ông Tạ Quang Vũ (số nhà 30, tổ 16) thông tin.
Khó hiểu hơn là ngày 10-4-2018, UBND phường Thanh Xuân Trung có Công văn số 232/UBND gửi Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội thông báo “các hộ dân đã đồng ý về mặt nguyên tắc đề xuất của Chủ đầu tư về việc điều chỉnh dự án như tại Văn bản số 8019/QHKT-KHTH và 104/QHKT-KHTH của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội”?!
Theo ông Trần Phúc Đường thì tại các cuộc họp lấy ý kiến nhân dân, 16 hộ dân tổ 16 không hề đồng ý theo đề xuất của Công ty Bảo Tín - Sơn Tùng như tại văn bản báo cáo của UBND phường Thanh Xuân Trung nêu trên. Các hộ dân cho biết văn bản này là biểu hiện của sự lừa dối để hợp thức hóa cho việc thẩm định, cấp Giấy phép qui hoạch dự án. Do đó, nếu Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội căn cứ vào Công văn số 232/UBND của UBND phường Thanh Xuân Trung để chấp thuận tổng thể mặt bằng bản vẽ 1/500 của Dự án cho Công ty Bảo Tín - Sơn Tùng thì khi đó sẽ càng phức tạp, nguy cơ gây khiếu kiện kéo dài và cuộc sống của người dân sẽ trở lên uất ức, bấp bênh...
Được biết, vị trí khu vực 16 hộ dân tổ 16, phường Thanh Xuân Trung mà Công ty Bảo Tín - Sơn Tùng đề xuất tại bản vẽ tổng thể mặt bằng 1/500 sẽ được làm phân khu cây xanh của Dự án. Tổng diện tích chủ đầu tư xin lập qui hoạch là 5.431,9m2, nhưng thực chất diện tích khu đất hiện tại (đất trống) chỉ còn hơn 3.000m2, số còn lại là diện tích đất của 16 hộ dân và diện tích đường đi xung quanh khu vực dự án, giáp với khu dân cư đã ở từ vài chục năm nay. Theo người dân thì mục đích vẽ vào như thế là để Công ty Bảo Tín - Sơn Tùng có đủ diện tích để xin nâng chiều cao, nâng tầng của Dự án và đạt được mật độ xây dựng tối đa 50% diện tích. Tuy nhiên, khá lạ là trong lúc chờ sự phê duyệt của các cấp thẩm quyền thành phố Hà Nội, thì tại khu vực dự án do Công ty Bảo Tín - Sơn Tùng đề xuất xin đầu tư.
Đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội làm rõ giải tỏa những bức xúc của người dân nơi đây.
Nhóm PV