Trên hành trình mang tầm vóc thời đại và quy mô toàn cầu đó, gắn với công cuộc Đổi mới toàn diện, Việt Nam không ngừng tiến bộ cả về bề rộng và bề sâu, cả về nhận thức, thể chế, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống người dân, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao và phát triển bền vững vào năm 2045.

Ảnh internet.
49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất non sông và hành trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh internet.

Ổn định vĩ mô và các thể chế ngày càng hoàn thiện

Cái được lớn nhất của Việt Nam trong hội nhập quốc tế là sự định hướng vững chắc và minh bạch cho cải cách thể chế. Nền tảng pháp lý xây dựng nền kinh tế thị trường, hiện đại và hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước ngày càng đồng bộ và vững chắc, thông thoáng, tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và sở hữu tài sản hợp pháp, tạo thuận lợi kinh doanh cao nhất cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực pháp luật không cấm.

Tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007, hiện 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Từ năm 2021, Việt Nam chính thức được xếp vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), với tổng điểm tổng 61,7 (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới), là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 ở Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 90/184 toàn cầu trong bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế của Heritage Foundation (Mỹ).

Hội nhập hiệu quả cũng giúp Việt Nam cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng khác, như: Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), Nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu, Nước đáng sống nhất thế giới, Các nước an toàn nhất, Quốc gia hạnh phúc, Xếp hạng bảo vệ nhà đầu tư, Các nước “tốt nhất thế giới” và Quyền lực mềm toàn cầu.

Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), tăng hai bậc so với năm 2022, đứng thứ tư khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ hai trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về Đổi mới sáng tạo trong thập niên qua. Sự tiến bộ này là điều tối quan trọng để Việt Nam đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và Liên Hợp quốc hỗ trợ hành trình của nước ta hướng tới mục tiêu này.

Lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Ảnh: ASEAN Secretariat.
Lễ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ảnh ASEAN Secretariat.

Việt Nam luôn giữ vững ổn định vĩ mô và ngày càng củng cố giá trị và niềm tin vào đồng nội tệ; cải thiện thanh khoản hệ thống; tăng dự trữ ngoại tệ; kiểm soát nợ xấu, lạm phát và thị trường ngoại hối. Khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế được mở rộng theo hướng ổn định.

Việt Nam nỗ lực chỉ đạo và định hướng sát sao từ Trung ương; khuyến khích tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; tăng phân quyền, phân cấp và năng lực phản ứng chính sách; triển khai các giải pháp tạo môi trường thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.

Quy mô và sức cạnh tranh không ngừng gia tăng

Mức tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1986-1990 đạt 4,4%/năm; 1991-2000 (7,6%/năm); 2001-2005 (7,34%/năm); 2006-2010 (6,32%/năm). Đặc biệt, từ 2020 đến nay, Việt Nam luôn thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Năm 2022 và quý I/2024, tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong hơn 20 năm qua, thuộc top đầu toàn cầu.

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN và thứ 40 thế giới, năng động và có độ mở cao, với quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 toàn cầu; xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu và 6/10 trong ASEAN.

Truyền thông số, thanh toán số và kinh tế số cũng ngày càng phát triển. Tổng khối lượng hàng hóa (GMV) kinh tế số Việt Nam năm 2023 ước đạt 30 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022; Tổng giá trị giao dịch của thanh toán số năm 2023 ước đạt 126 tỷ USD, cho vay kỹ thuật số ước đạt 4 tỷ USD. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần. Kinh tế tư nhân hiện đóng góp trên 50% GDP, 90% số việc làm và 40% tổng đầu tư toàn xã hội.

Ảnh internet.
49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất non sông và hành trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh internet.

Kinh tế đối ngoại và vị thế quốc tế ngày càng củng cố

Cùng với hành trình hội nhập, kinh tế đối ngoại ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu, vừa là hệ quả, vừa là động lực mạnh mẽ định hướng và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến và giảm dần hàng xuất khẩu thô. Tốc độ tăng xuất khẩu gần như liên tục đạt hai chữ số. Độ mở nền kinh tế đứng thứ năm thế giới. Hằng năm, Việt Nam có trên 30 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD và đứng thứ hạng cao trên thế giới, như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy ảnh.

Hiện nay, gần 30 quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Tổng ODA từ năm 1993 đến nay đạt trên 80 tỷ USD vốn cam kết, trên 40 tỷ USD giải ngân. Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới và tăng đều qua các năm.

Việt Nam liên tục là điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới trong dòng vốn đầu tư dịch chuyển khu vực và quốc tế nhờ ưu thế ổn định chính trị, dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và lượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình đang tăng nhanh, hạ tầng ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại.

Thực tế ghi nhận đang có làn sóng nhà đầu tư từ Anh, Mỹ và Châu Âu mong muốn tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, chip bán dẫn, thực phẩm, sản xuất kho bãi, tài chính ngân hàng… Từ nước nhận đầu tư một chiều, gần đây, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cũng tăng nhanh, với tổng cộng hàng nghìn dự án và hàng chục tỷ USD. Lũy kế đến 20/2/2024, Việt Nam đã có 1.716 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 22,12 tỷ USD.

49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất non sông và hành trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh internet.
49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất non sông và hành trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ảnh internet.

Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia; có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 nước và vùng lãnh thổ; tham gia trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hơn 50 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.

Việt Nam ký kết và triển khai 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đang và sẽ đàm phán, ký kết nhiều FTA và các khuôn khổ hội nhập quốc tế đa dạng khác. Hiện Việt Nam đã có thiết lập khuôn khổ quan hệ là Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 quốc gia; trong đó, có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và Đối tác chiến lược với tất cả các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và các nước phát triển nhất thế giới (G20).

Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao và cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế trong năm 2023: Chỉ số hạnh phúc toàn cầu tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc, xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế thế giới. Chỉ số Tự do kinh tế đạt hạng 72 trong xếp hạng của Quỹ di sản văn hóa.

Việt Nam chính thức ra khỏi tình trạng kém phát triển từ năm 2010 và 2012 hoàn thành trước thời hạn tất cả các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015. Xếp hạng thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) liên tục gia tăng từ vị trí 88 (năm 2016) lên 57 (2018) và 49 (2020). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% (cuối 2015) xuống dưới 3% (2020).

Những thành tựu trên là kết quả của quá trình Đảng thống nhất và trực tiếp lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân ta tiến hành công cuộc Đổi mới và hội nhập; tiệm cận với chuẩn mực quốc tế theo yêu cầu của WTO và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia.

  • Quý I/2024, cả nước có 644 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận với số vốn đạt 4.774 triệu USD, tăng 23,4% về số dự án và tăng 57,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2023.
  • FDI thực hiện đạt 4.630 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất trong năm năm qua. Việt Nam đang và sẽ có sự gia tăng mạnh mẽ và sâu hơn vào một số chuỗi cung ứng mới của thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ công nghệ cao.

Bài viết của Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Phong đăng trên baoquocte.vn